Ngày 25/5, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, yêu cầu Bộ Y tế có kế hoạch tiêm vaccine hiệu quả, tuyệt đối không để lãng phí nguồn vaccine. Bộ rà soát, bổ sung những người thuộc diện ưu tiên tiêm phù hợp với thực tế, trong đó chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu dịch vụ đông công nhân, người lao động.
Thủ tướng khẳng định chủ trương nhất quán là "phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp để có đủ vaccine sớm nhất tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng". Bộ Y tế chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc mua vaccine phòng dịch; đàm phán nhanh chóng mua vaccine từ nhiều nguồn, bảo đảm có vaccine sớm nhất, nhiều nhất...
Hai bộ Y tế và Tài chính được yêu cầu nhanh chóng lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để kêu gọi các nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức theo tinh thần huy động sức mạnh toàn dân, minh bạch. Bộ Tài chính hướng dẫn tiết kiệm chi thường xuyên năm tài khóa 2021-2022 để có nguồn bổ sung mua vaccine.
Theo Nghị quyết Chính phủ hồi tháng 2, công nhân không nằm trong diện được ưu tiên tiêm vaccine. Tuy nhiên, diễn biến dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và trước đó là Hải Dương cho thấy, công nhân khu công nghiệp thuộc nhóm dễ lây nhiễm, tốc độ lây nhanh và có thể lan rộng trong cộng đồng. Chỉ một ngày 25/5, Bắc Giang ghi nhận tới 375 ca Covid-19, chủ yếu là công nhân khu công nghiệp.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) ngày 20/5 có văn bản đề nghị xếp công nhân vào nhóm ưu tiên tiêm vaccine do thuộc khu vực nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Chủ tịch VASI Lê Dương Quang, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẵn sàng trả chi phí tiêm vaccine cho người lao động nếu Chính phủ có chủ trương xã hội hóa, để việc tiêm vaccine được triển khai sớm, hiệu quả.