Thông tin trên được Bộ Xây dựng trả lời cử tri về chính sách phát triển nhà ở giá rẻ mới đây. Khi xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp (diện tích dưới 70 m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng một m2), Bộ đã tập trung vào một số ưu đãi như đất, thuế...
Đơn cử, doanh nghiệp được giảm tiền sử dụng đất và được chậm nộp khoản tiền này. Doanh nghiệp cũng được giảm VAT, thuế Thu nhập doanh nghiệp, được ưu đãi về bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư, cơ chế huy động vốn.
Tuy nhiên, khi đánh giá về dự thảo, Bộ Tư pháp cho biết, các chính sách ưu đãi này chưa được quy định trong hàng loạt luật như: Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Thuế (miễn, giảm VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp)...
Nghị quyết không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương sẽ gặp khó khăn khi thực hiện. Vì vậy, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ cho phép cùng các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu chính sách này.
Xây dựng nhà ở vừa túi tiền với đại đa số người dân là một ưu tiên được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đặt ra trong nhiệm kỳ. Đây là phân khúc được nhiều người quan tâm tại các thành phố lớn, nhưng nguồn cung đang bị hạn chế và lấn lướt bởi phân khúc trung, cao cấp.
Theo báo cáo quý I, tại Hà Nội, đa số các chung cư mới được đầu tư xây dựng là thuộc phân khúc trung cấp với giá bán dao động từ 30 đến trên 40 triệu đồng một m2. Tại TP HCM, chung cư phân khúc này dao động 35-45 triệu đồng một m2.
Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ với mức giá dưới 25 triệu đồng một m2 tại các đô thị lớn rất ít, hầu như chỉ có ở các khu vực xa trung tâm. Các dự án dạng này cũng đẩy giá, từ mức trên dưới 20 triệu một m2 lên trên dưới 25 triệu đồng một m2.
Thống kê của Bộ cũng cho thấy, giá căn hộ nhìn chung cũng tăng đều qua tháng, bình quân 5-10% so với quý IV/2020.
Đức Minh