Những ưu tiên của Bộ Xây dựng trong thời gian tới được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề cập tại hội nghị làm việc đầu tiên của ông với ngành tuần trước.
Ông cho biết, sẽ thay đổi căn bản tư duy thiết kế luật, cơ chế chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó, ông sẽ ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của người dân.
Dòng sản phẩm chung cư bình dân (nhà ở thương mại giá rẻ khoảng 25 triệu đồng một m2) là phân khúc được rất nhiều người quan tâm tại các thành phố lớn. Cầu thị trường lớn, nhưng nguồn cung của phân khúc này rất hạn chế và bị lấn lướt bởi phân khúc nhà ở cao cấp.
Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) hồi đầu năm nay cho biết, trong năm 2020, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, căn hộ cao cấp chiếm 70% lượng nhà ở.
Việc thiếu nhà ở giá rẻ được HoREA đánh giá là tác động đến đảm bảo an sinh xã hội cho đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp trong đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư.
Nhà ở xã hội đã được ra đời nhằm để giải quyết nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng hồi tháng 4 cho thấy, số dự án nhà này chỉ đạt 42% kế hoạch (tương đương 104.200 căn, khoảng 5,2 triệu m2 sàn). Nguyên nhân là nhiều địa phương chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển loại hình nhà ở xã hội.
Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp không phát triển loại hình nhà này vì lãi suất vay vốn cao, trong khi thời gian thu hồi vốn dài, lợi nhuận thấp. Các đối tượng nghèo hoặc có thu nhập thấp cũng không thể vay vốn ngân hàng để mua nhà vì số tiền chi trả cho nhà ở quá lớn so với mức thu nhập.
Bên cạnh ưu tiên về nhà ở cho người có thu nhập thấp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng lưu ý các đơn vị trong ngành theo dõi, nắm chặt diễn biến thị trường bất động sản, sớm có các giải pháp về cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch, tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai... Ông cho biết, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, giám sát về nhà ở, thị trường bất động sản ở các địa phương.
Đức Minh