Nội dung được nêu tại hội nghị tổng kết liên quan chương trình thí điểm kiểm soát khí thải xe máy ở thành phố, tổ chức ngày 27/1. Chương trình do Sở Giao thông Vận tải TP HCM phối hợp Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam xây dựng, thực hiện.
Chương trình bắt đầu hồi tháng 5/2020 khi xe máy tại quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình được đo, kiểm tra khí thải miễn phí. Xe khi kiểm tra được nhập thông tin vào hệ thống như biển số, niên hạn... Sau 6 tháng, gần 11.000 xe được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.
Ông Đinh Trọng Khang, Phó giám đốc Viện môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) đề xuất phương án kiểm soát khí thải xe máy tại TP HCM ban đầu thực hiện ở khu trung tâm, sau đó mở rộng toàn thành phố. Giai đoạn 2021-2022, thành phố cần xây dựng các khung chính sách, pháp lý liên quan, tổ chức tuyên truyền... Hai năm 2023-2024, thành phố sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư 88 trạm kiểm định. Phí kiểm định mỗi xe được đề xuất 50.000 đồng trong một năm, người nghèo được miễn phí. Thời gian này, xe chạy ở quận 1, 3, 5 chưa đạt chuẩn bị phạt tiền.
Giai đoạn 2025-2026, xe máy sau khi xuất xưởng, bán ra phải được dán tem khí thải. Lúc này, 78 trạm kiểm định được đầu tư, mở rộng kiểm soát tại quận 1, 3, 5, 10 và Tân Bình. Những xe dưới 5 năm sử dụng không phải kiểm tra khí thải. Từ năm 2027 đến 2030, khu vực cần đạt chuẩn khí thải mở rộng ở 13 quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.
Theo đơn vị nghiên cứu, đề án kiểm soát khí thải cần kinh phí hơn 553 tỷ đồng để đầu tư hệ thống, nhân lực... Dự kiến giai đoạn 2023-2024, mỗi năm có gần 7 triệu xe máy cần kiểm tra và mức thu ước tính khoảng 348 tỷ đồng. Từ năm 2025 đến 2030, mỗi năm gần 6 triệu xe kiểm định, tương ứng nguồn thu khoảng 300 tỷ đồng. "Tổng nguồn thu đến năm 2030 dự kiến gần 2.200 tỷ đồng, sau khi trừ 553 tỷ đồng vốn đầu tư sẽ được nộp về ngân sách", ông Khang nói.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, vừa qua chương trình thí điểm đã khảo sát, đánh giá tác động của khí thải xe máy đối với người dân, đồng thời đề xuất giải pháp, chính sách, lộ trình thực hiện... Tuy nhiên, cơ sở pháp lý hiện chưa cụ thể, chưa có quy định phạt người chạy xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải... Vì vậy từ kết quả chương trình thí điểm nói trên, TP HCM kiến nghị các bộ, ngành sớm ban hành quy định liên quan để nhân rộng kiểm soát khí thải xe máy trên địa bàn.
"Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông, đồng thời yêu cầu Hà Nội, TP HCM nghiên cứu các chính sách thu hồi xe máy cũ", ông An nói và cho rằng đây là tiền đề quan trọng sớm triển khai các biện pháp kiểm soát khí thải xe máy.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) ủng hộ chủ trương kiểm soát khí thải xe máy tại TP HCM. Hiện Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, bổ sung quy định kiểm soát khí thải các loại xe vào dự thảo Luật giao thông đường bộ, nhằm tạo hành lang pháp lý xây dựng quy định, chính sách triển khai.
TP HCM hiện có hơn 7,4 triệu xe máy, trong đó xe sử dụng trên 10 năm chiếm gần 68%, cao hơn Hà Nội. Khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe, phát ra từ xe máy chiếm 90% tổng các loại xe cơ giới tại thành phố. Đề án kiểm soát khí thải xe máy tính toán khi áp dụng, TP HCM có thể giảm 13% khí CO và gần 14% khí HC thải ra môi trường.
Hiện Thông tư 70/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có mức tiêu chuẩn khí thải rất thấp và chỉ áp dụng được với ôtô, chưa có tiêu chuẩn với xe máy. Trong khi đó, quy định tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định số 49/2011 chỉ áp dụng với xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới chứ không phải với xe chạy trên đường.
Gia Minh