Trong báo cáo gửi Thủ tướng cùng ngày, Bộ Y tế cho rằng yêu cầu mua thuốc kháng virus molnupiravir phải có đơn của bác sĩ, y sĩ sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, do số ca nhiễm ngày càng tăng cao. Song, molnupiravir được cấp phép có điều kiện, khi sử dụng phải theo dõi chặt chẽ về tính an toàn, hiệu quả, chất lượng. Thuốc này không thể sử dụng thiếu kiểm soát do có tác dụng phụ và nguy cơ tạo ra biến chủng mới.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất các nhà thuốc, quầy thuốc chịu trách nhiệm kê đơn, bán molnupiravir cho người dân, tổng hợp số liệu báo cáo trạm y tế hoặc trung tâm y tế địa phương hàng ngày.
Cụ thể, người phụ trách chuyên môn ở nhà thuốc sẽ kê đơn cho F0 hoặc người mua hộ. Người đến mua phải có xác nhận dương tính nCoV từ cơ sở y tế, bao gồm xét nghiệm PCR hoặc test nhanh; hoặc video quay quá trình thực hiện test nhanh tại nhà kết quả dương tính. Khi mua thuốc, mọi người phải ký cam kết, khai báo thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test...
Trước đó phương án chấp thuận video quá trình tự test dương tính của F0 được FPT Long Châu - chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu đề xuất và ứng dụng linh hoạt, dựa theo thực tế một số phường tại Hà Nội tiếp nhận video tự test để xác định F0.
Bộ Y tế cũng đề xuất cấp phát miễn phí molnupiravir tại cơ sở y tế, áp dụng đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, cơ chế này còn bất cập, có thể giảm tính cạnh tranh về lâu dài và khó đảm bảo xác định nhu cầu, số lượng sử dụng thuốc trong khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Để giải quyết, Bộ Y tế cho rằng nên giao các địa phương, cơ sở y tế thực hiện mua theo quy định.
Lượng thuốc sản xuất trong nước "đáp ứng đủ nhu cầu điều trị", theo Bộ Y tế. Tổng năng lực sản xuất của ba công ty nội có thể đạt tới 280 triệu viên một tháng, tương đương 11 triệu liệu trình. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tính toán số ca mắc Covid-19 mức độ nhẹ một tháng là hơn 1,1 triệu ca, chỉ 30% trong số này cần sử dụng thuốc kháng virus, ước tính cần 334.800 liệu trình một tháng. Hiện giá thành cho một liệu trình molnupiravir khoảng 300.000 đồng, rẻ nhất trên thế giới.
Bên cạnh nguồn thuốc nội, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép nhập khẩu hơn 37,6 triệu viên molnupiravir, tương đương 940.000 liệu trình điều trị tính đến nay. Số thuốc này để phục vụ nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Bộ Y tế sẽ thông báo công khai và hướng dẫn nhập khẩu thuốc molnupiravir nếu có nhu cầu, tiếp tục thẩm định và cấp phép cho tất cả hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đủ yêu cầu.
Liên quan các loại thuốc điều trị Covid-19 khác, đến nay Bộ Y tế đã cấp phát hơn 852.000 lọ remdesivir, hiện tồn kho gần 822.000 lọ. Dự kiến năm 2022, các bệnh viện và sở y tế cần hơn 857.000 lọ remdesivir. Đây là thuốc kháng virus tiêm đường tĩnh mạch dùng cho bệnh nhân nặng điều trị tại bệnh viện. Hai triệu viên favipiravir cũng được phân bổ tính đến 25/11/2021, hiện không còn thuốc dự trữ. Bộ Y tế ước tính cần hơn 5,4 triệu viên favipiravir, tính đến ngày 26/2. Đây là thuốc kháng virus dùng cho F0 điều trị tại nhà, tương đương molnupiravir.
Ngoài ra, hơn 5.000 liều thuốc kháng thể đơn dòng casirivimab và imdevimab đã được phân bổ cho 63 tỉnh, thành, tính đến ngày 30/12/2021, ước tính cần hơn 8.700 liều cho điều trị.
Dự kiến, một triệu viên favipiravir và 3.000 liều thuốc kháng thể đơn dòng sẽ về Việt Nam trong thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị.
Như vậy, molnupiravir cùng remdesivir và favipiravir là ba loại thuốc kháng virus được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Trong đó, molnupiravir và favipiravir sử dụng cho F0 nhẹ tại nhà. Remdesivir điều trị tại bệnh viện. Hai thuốc casirivimab và imdevimab là kháng thể đơn dòng, chưa được cấp phép, sử dụng có kiểm soát cho F0 nhẹ, trung bình hoặc không triệu chứng.
Hôm 17/2, Bộ Y tế đã cấp phép khẩn cấp ba loại thuốc molnupiravir do ba doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm Molravir 400 của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir hàm lượng 200 mg của Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400 của Công ty TNHH Stellapharm. Sau 6 ngày, Bộ Y tế công khai giá, cho phép bán tại chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 3, TP HCM và Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán molnupiravir khi người dân có đơn thuốc của bác sĩ. Tối 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính khi mua thuốc, tạo điều kiện thuận lợi, không để người dân vất vả khi tiếp cận thuốc. Bộ Y tế cần khẩn trương quyết định cấp phép nhập khẩu, sử dụng thuốc điều trị Covid-19; tăng cường quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc.
Chi Lê