Thông tin được ông Nam nói tại buổi tập huấn trực tuyến với các nhà thuốc, ngày 4/3. Molnupiravir là thuốc kháng virus, thuộc danh mục thuốc kê đơn. Người dân chỉ có thể mua khi được khẳng định mắc Covid-19, được kê toa thuốc sau khi bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh.
Thạc sĩ Lê Ngọc Danh, Phó Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP HCM, cho biết yêu cầu bán thuốc có kê đơn là theo quy định của pháp luật hiện hành. "Điều này không phải là hạn chế, cản trở người bệnh tiếp cận thuốc mà là bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân", ông Danh nói và lưu ý F0 nếu tiếp cận thuốc không chính thống, thuốc không đúng chỉ định, bệnh không giảm mà còn có thể gây hậu quả. Do đó, người dân khi chẳng may mắc bệnh, việc đầu tiên là khai báo y tế cơ sở để được hướng dẫn tiếp cận bác sĩ, từ đó được đưa ra lời khuyên đúng.
Theo ông Danh, dùng thuốc như con dao hai lưỡi. Hiện nay, do tiếp cận thông tin không chính thống, nhiều người dùng molnupiravir ở dạng dự phòng, tức không có bệnh vẫn dùng thuốc, là không đúng với chỉ định. Ngoài ra, một số tổ chức, doanh nghiệp cũng muốn mua dự phòng về phát cho nhân viên "để yên tâm".
Trong các loại thuốc kháng virus điều trị Covid-19 theo đường uống, hiện nay các nhà thuốc chỉ được phép bán molnupiravir. Thuốc từ ba nhà sản xuất được cấp phép (Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam, Công ty Cổ phần Hóa - dược phẩm Mekophar), mua từ nhà cung cấp hợp pháp, có đầy đủ chứng từ, bán đúng đối tượng, bán đúng giá niêm yết, lưu trữ hóa đơn đơn thuốc, cập nhật thông tin trên hệ thống cơ sở dược quốc gia... Thuốc kháng virus khác như favipiravir chưa được bán vì chưa được cấp phép sản xuất tại Việt Nam, chỉ được cấp phép nhập khẩu theo đường viện trợ.
Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều F0 gặp trở ngại khi tiếp cận thuốc, một số nhà thuốc gỡ khó bằng cách chấp thuận bán cho cả người có giấy xác nhận F0 của cơ sở y tế, người bệnh tự quay video quá trình xét nghiệm tại nhà. Về vấn đề này, ông Danh cho biết Sở Y tế đang chờ các hướng dẫn cụ thể và Bộ Y tế đang nghiên cứu để trình Chính phủ có giải pháp phù hợp với tình hình chống dịch, để người dân có thể tiếp cận molnupiravir thuận lợi.
Theo thạc sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, ngoài thuốc molnupiravir vừa được cấp phép bán trên thị trường, TP HCM còn khoảng 27.000 liều thuốc này, do Bộ Y tế phân bổ miễn phí thời gian qua trong chương trình thí điểm sử dụng thuốc có kiểm soát. Các nghiên cứu tại TP HCM ghi nhận thuốc hiệu quả tốt, tác dụng phụ không đáng kể, chỉ một số rất ít có biểu hiện tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt... Sở Y tế TP HCM đề nghị Bộ Y tế giảm thủ tục hành chính với số thuốc còn lại (như phiếu cam kết, nếu không có tác dụng phụ thì không báo cáo) để người sử dụng thuốc tiếp cận dễ dàng hơn.

Thuốc molnupiravir sản xuất tại Công ty Boston Việt Nam - một trong ba doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép sản xuất thuốc này. Ảnh: Quỳnh Trần
Thanh tra Sở Y tế TP HCM đang tăng cường kiểm tra hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19, hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc để đầu cơ, găm hàng, tăng giá thuốc. Cơ quan quản lý thị trường cũng kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động mua bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc nhập lậu, thuốc nghi ngờ về chất lượng...
Lê Phương