Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hộ tịch tại phiên họp Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.
Bà Nhung dẫn chứng có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.
“Đó là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã cho ý kiến khi chúng tôi đi giám sát. Vì vậy, tôi đề nghị nếu luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới”, bà Nhung nói.Đại biểu Nhung đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con phù hợp với văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục, tập quán. Ví như cha mẹ là người dân tộc, nhưng lại lấy họ Nguyễn làm phát sinh họ mới, gây nhầm lẫn và trái phong tục.
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Theo ông Lý, giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân tuy có mối liên hệ với nhau, nhưng có phạm vi, mục đích và cách thức thực hiện khác nhau. Hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ. Còn hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý xã hội.
Về việc cấp Giấy khai sinh và Thẻ căn cước công dân có hai luồng ý kiến. Một bộ phận tán thành việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định hiện hành và một luồng ý kiến khác đề nghị bỏ việc cấp Giấy khai sinh trong dự thảo Luật hộ tịch, thay vào đó cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như trong dự án Luật căn cước công dân.
Theo Thường vụ Quốc hội, đăng ký khai sinh là việc Nhà nước chính thức thừa nhận sự ra đời của một con người. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trẻ em sinh ra được Nhà nước cấp Giấy khai sinh trong đó ghi thông tin cơ bản của trẻ em. Giấy khai sinh có giá trị pháp lý làm căn cứ cho việc cấp các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Hơn nữa, việc cấp Giấy khai sinh đã và đang được thực hiện thống nhất, ổn định từ nhiều năm nay, cơ bản không có vướng mắc.
“Do đó, Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh”, ông Lý cho hay.
Đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, đại biểu Tô Văn Tám khẳng định thẻ căn cước công dân không thể thay thế giấy khai sinh. Theo ông Tám, giấy khai sinh có ý nghĩa là phương tiện đánh dấu sự ra đời của một con người, được nhà nước thừa nhận, vừa là cơ sở cho các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Còn thẻ căn cước công dân nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, thông tin trong thẻ căn cước là dựa trên giấy khai sinh.
Đại biểu Điều Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) không đồng tình với dự định cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 14 tuổi vì lứa tuổi này trẻ em thay đổi nhanh về nhận dạng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Hơn nữa, tuổi này chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và giao dịch dân sự. Ngân sách nhà nước và người dân cũng sẽ phải bỏ ra số tiền không nhỏ để làm hơn 21 triệu thẻ căn cước công dân cho khoảng ¼ dân số dưới 14 tuổi.
“Thẻ căn cước công dân khi được cấp chủ yếu chỉ cất đi chứ không có nhiều tác dụng giao dịch trong cuộc sống, còn hàng chục lĩnh vực khác thì yêu cầu giấy khai sinh. Vì vậy tôi đề nghị tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi, thông tin khai sinh sẽ được gửi về cơ sở dữ liệu quốc gia để cấp thẻ căn cước công dân khi người này đủ 14 tuổi”, đại biểu Sang đề xuất.
Hoàng Thuỳ