Theo dự thảo Luật Căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo, trẻ em từ khi sinh ra đã được cấp thẻ căn cước và mã số định danh cá nhân. Thẻ căn cước sẽ tích hợp thông tin cá nhân của công dân, thay thế cho hàng loạt giấy tờ tùy thân như: giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận kết hôn…
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Hộ tịch do Bộ Tư pháp đang soạn thảo lại muốn duy trì giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn và đề xuất chỉ cấp thẻ căn cước khi trẻ đủ 14 tuổi.
Tại cuộc họp báo ngày 16/10, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định: "Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn là loại giấy tờ này vô cùng quan trọng và có những giá trị không thể thay thế". Theo Bộ này, việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em.
“Không phải ta cứ cắt phéng tất cả các loại giấy tờ rồi cho vào một cái. Có những cái cắt được nhưng có những cái thì không”, ông Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp) nói.
Theo ông Khanh, giấy khai sinh gần như thẻ vào đời của công dân. "Nó là một văn bản xác thực nhất để giới thiệu về nhân thân của một con người. Ở Việt Nam, giấy khai sinh đã tồn tại hằng trăm năm nay", ông nói.
Việc bỏ giấy khai sinh và thay thế bằng thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi, theo ông Khanh sẽ gây khó khăn cho công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp Giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh.
Với giấy đăng ký kết hôn, ông Khanh cho hay, đây là sự công nhận chính thức về phía nhà nước việc hai người là vợ chồng. "Nó vừa trang trọng, vừa bảo đảm nghi thức của nhà nước.", Cục trưởng nêu quan điểm.
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp, cho hay việc không giữ hai loại giấy tờ trên, quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội. “Nhưng dù là không cấp giấy khai sinh cũng không có nghĩa là bỏ thủ tục đăng ký khai sinh”, Cục trưởng Khanh nói thêm.
Theo Bộ Tư pháp nếu Luật Hộ tịch được Quốc hội thông qua kỳ này sẽ cắt giảm từ 46 thủ tục hành chính xuống còn 25 trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.
Chiều nay, trao đổi với VnExpress, ông Trần Thế Quân (Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách thủ tục hành chính, Bộ Công an) cho hay khi xây dựng dự thảo Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã bám vào quan điểm chỉ đạo Đề án 896 về mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã có một số lần trao đổi, thảo luận với nhau về vấn đề trên. Mọi quyết định, theo ông Quân là "chờ Quốc hội". Tuy nhiên, vị cục phó khẳng định, theo chuẩn, thẻ căn cước sẽ thay thế thay nhiều loại giấy tờ, không riêng giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. |
Bảo Hà