Thảo luận về dự án luật Căn cước công dân và luật Hộ tịch sáng 9/6, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung bày tỏ băn khoăn về việc nếu phát hành thẻ căn cước thì một loạt máy móc, phần mềm đang sử dụng phải “tạm nghỉ”. Ông Chung đề nghị “cần có biện pháp tích hợp để đỡ lãng phí khi triển khai”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu câu hỏi, thẻ căn cước này thay thế được giấy tờ nào, khi nào thay thế. “Cần công khai, minh bạch để thuyết phục đại biểu vì thực tế, khi Luật căn cước xây dựng chúng ta vẫn sử dụng giấy khai sinh và một số giấy tờ khác”, ông Tuấn nói.
Chung quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Thảo phân tích, theo dự luật, thẻ căn cước được cấp khi làm thủ tục khai sinh, liên quan đến số định danh cá nhân theo Luật Hộ tịch. “Hai loại giấy tờ này trùng lặp về nguồn thông tin nên cần thống nhất hai dự luật trước. Chỉ cần một trong hai loại giấy tờ là đủ, để tránh công dân phải kê khai nhiều”, ông Thảo nói
Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn thực tế Hà Nội đang triển khai chứng minh thư 12 số, nếu thêm căn cước công dân là chồng chéo, lãng phí tiền của. “Thẻ này ra đời mà chưa thay thế được các giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, sổ đỏ... thì có đơn giản được không?”. Bí thư Hà Nội cho rằng phải chuẩn bị đầy đủ, thể chế cái cũ như thế nào cho hợp lý, chưa tính được thì chưa làm ngay.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) thẳng thắn: "Tại sao vừa thí điểm cấp chứng minh nhân dân mẫu mới mà nay lại đổi làm gì?". Đại biểu Trần Du Lịch bổ sung, đây là một sự lãng phí, cái gì cũng thí điểm rất tốn kém.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho biết: "Chủ trương là thẻ căn cước sẽ thay thế chứng minh nhân dân và một số loại giấy tờ nên tôi hình dung thẻ này rất quan trọng". Theo ông Phúc, trước khi triển khai cần đánh giá tác động từ nhiều mặt, cả quản lý nhà nước tới điều kiện sinh hoạt của công dân. "Cần có đánh giá xã hội học, công tác tuyên truyền giới thiệu, thậm chí thử nghiệm để người dân hiểu đây là một dạng quản lý, giao dịch hiện đại", ông đề nghị và lưu ý, việc thay đổi liên tục như thế sẽ không ổn định, cần rút kinh nghiệm và làm bài bản hơn.
Đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Công an có mặt tại tổ TP HCM, ông Đỗ Văn Cương cho hay, với chứng minh nhân dân mẫu mới thì mỗi người chỉ có một số nhất định. “Số này sẽ không cấp cho người khác và dự kiến theo luật Căn cước thì 12 số trên chứng minh nhân dân chính là mã định danh trong thẻ căn cước mới”, ông Cương giải thích.
Trao đổi với VnExpress, đại tá Phùng Đức Thắng (Phó cục trưởng Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an) cho rằng thẻ căn cước có công năng chính không khác chứng minh nhân dân. Theo ông Thắng, khái niệm chứng minh nhân dân đã tồn tại ăn sâu, bám rễ vào tâm trí mỗi người dân. Tất cả các loại giấy tờ cá nhân từ giấy đăng ký kết hôn đến sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các loại hợp đồng liên quan giao dịch đều có liên quan. Khi thay đổi tên gọi, chắc chắn sẽ gây mâu thuẫn giữa các giấy tờ. Riêng việc gửi rút tiền tại các ngân hàng lại càng phức tạp. Nếu ngày 1/7/2015 luật này có hiệu lực, có nghĩa là từ nay đến đó các ngân hàng phải xong việc nhập dữ liệu thẻ căn cước thay cho chứng minh thư nhân dân. "Điều này khó thực hiện được", ông Thắng nhận định. Ông Thắng cho hay, dù là chứng minh thư hay thẻ căn cước thì cơ quan cấp và quản lý dữ liệu vẫn là Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia. Ước tính chi phí làm một thẻ căn cước khoảng 30.000 đồng, sử dụng công nghệ như chứng minh thư mới nên sẽ không phải mua thêm máy móc. |
Đoàn Loan - Chí Hiếu - Đức Hiệp