Nội dung vừa được UBND quận 7 báo cáo UBND TP HCM, sau khi một doanh nghiệp đề xuất đầu tư hai tuyến buýt sông từ quận 1 đi quận 7, gồm: số 3 (Bạch Đằng - Mũi Đèn Đỏ) và số 4 (Bạch Đằng - Phú Mỹ Hưng). Đơn vị này đề xuất thí điểm 5 năm, tổng kinh phí gần 260 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự huy động vốn để đầu tư, khai thác và vận hành.

Buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đang khai thác ở TP HCM. Ảnh: Gia Minh
Theo đề xuất, buýt sông số 3 dài 13 km, từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn đến Mũi Đèn Đỏ, thời gian chạy khoảng 56 phút. Ngoài hai bến đầu và cuối, trên tuyến xây 9 bến cho khách lên xuống, trong đó 2 bến thuộc quận 7.
Tuyến số 4 dài hơn13 km, từ trung tâm thành phố theo sông Sài Gòn qua các kênh Tẻ, rạch Ông Lớn, Rạch Đỉa đến Phú Mỹ Hưng, thời gian tàu chạy khoảng một giờ. Tuyến này dự kiến làm 9 bến trên hành trình cùng 2 bến đầu và cuối, bao gồm 4 bến đi qua quận 7. Nhà đầu tư bố trí tàu 30 chỗ khi khai thác tuyến số 4 và 50 chỗ cho tuyến số 3 để phù hợp địa hình các tuyến sông, kênh, rạch.
UBND quận 7 hiện thống nhất đề xuất thí điểm hai tuyến buýt nêu trên. Lãnh đạo quận cho biết đặc thù địa phương được bao quanh bởi sông Sài Gòn, Nhà Bè, Phú Xuân cùng nhiều kênh rạch. Việc đầu tư hai tuyến buýt sông giúp phát triển giao thông công cộng đường thuỷ, du lịch, thương mại..., trong bối cảnh thành phố tập trung phục hồi kinh tế sau khi dịch được kiểm soát.
Trước đó năm 2017, hai tuyến buýt đường sông nêu trên được UBND TP HCM duyệt bổ sung vào hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy trên địa bàn. Ngoài hai tuyến này, thành phố đã đưa vào khai thác tuyến số 1 từ quận 1 đi TP Thủ Đức (Bạch Đằng - Linh Đông). Riêng tuyến số 2 từ khu trung tâm đi quận 8 (Bạch Đằng - Lò Gốm) đang chờ nhà đầu tư đưa vào khai thác.
TP HCM muốn đẩy mạnh giao thông đường thủy với kỳ vọng giúp giảm gánh nặng cho vận tải đường bộ, giảm ùn tắc trong nội thành. Sở Giao thông Vận tải tính toán 30 năm tới, thành phố cần hơn 21.000 tỷ đồng đầu tư, phát huy lợi thế 110 tuyến sông, rạch tổng chiều dài 1.000 km trên địa bàn.
Gia Minh