Kiến nghị này được nêu trong báo cáo khảo sát tại 23 hiệp hội ngành hàng tháng 6, vừa được Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Không riêng doanh nghiệp tư nhân, trong báo cáo gửi UBND TP HCM ngày 28/6, Sở Y tế TP HCM cho rằng hiện chưa có cơ chế rõ ràng cho hợp tác công - tư và xã hội hóa việc tiêm chủng. Các tổ chức có nhu cầu tiêm vaccine cho nhân viên của doanh nghiệp thành viên, nhưng không thuộc đối tượng ưu tiên nên đang vướng mắc trong nguồn kinh phí thực hiện. Vì thế, Sở Y tế đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về việc hợp tác, chia sẻ số lượng vaccine, cũng như cơ chế mua vaccine tiêm chủng cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu và tổ chức tiêm dịch vụ vaccine.
Tháng trước, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tập đoàn và các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế cho biết sẽ rút ngắn tối đa thời gian phê duyệt, thủ tục nhập khẩu vaccine trong 5-10 ngày. Nếu doanh nghiệp, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa đủ điều kiện nhập khẩu vaccine thì có thể liên hệ với 36 đầu mối đơn vị đáp ứng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các nhà sản xuất vaccine như Pfizer hay AstraZeneca đều cho biết chỉ đàm phán, thỏa thuận cung ứng vaccine Covid-19 với Chính phủ, nên không có nguồn tư nhân nào là hợp pháp.
Ngoài cần làm rõ cơ chế hợp tác công - tư khi tiếp cận vaccine, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị Chính phủ cần minh bạch các tiêu chí xét đối tượng ưu tiên, công bố quy trình thực hiện để người lao động, doanh nghiệp nắm bắt.
"Quy trình mẫu này cần công bố công khai để doanh nghiệp hình dung, hoạch định tốt hơn kế hoạch, hoạt động trong phòng, chống Covid-19", báo cáo Ban IV nêu.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng muốn nhà chức trách rà soát việc triển khai đang còn rất khác nhau tại các ngành, địa phương về mua, tiêm vaccine cho người dân, lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn Bộ Y tế nghiên cứu, có chủ trương và hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dạng "self-test", nhằm giúp hạn chế sức người, sức của và khả năng lây lan khi tập trung đông người trong những chiến dịch xét nghiệm, truy vết tập trung hiện nay. hiện một số quốc gia đã triển khai chiến lược tự xét nghiệm kháng nguyên Covid-19 tại nhà.
Hiện Việt Nam đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 5 loại vaccine phòng Covid-19, gồm AstrZeneca, Sputnik V, Sinopharm, Pfizer và gần nhất là Moderna.
Tính đến ngày 29/6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều. Tại cuộc họp Chính phủ hôm nay (1/7), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến sẽ có khoảng 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về trong quý III. Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước.
Hoài Thu