Mức giảm thuế này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI đưa ra trên cơ sở phân tích và phản ánh từ các doanh nghiệp, hiệp hội.
Theo VCCI, bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng không, nên đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay (xăng Jet A1) là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngành hàng không trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Mức đề xuất giảm thuế về còn 1.000 đồng một lít này thấp hơn so với dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra trước đó là 1.500 đồng một lít (giảm 50% so với mức đang áp dụng 3.000 đồng một lít).
Lập luận của các doanh nghiệp, hiệp hội là ngành hàng không đã trải qua 2 năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh và mức ảnh hưởng năm sau nhiều hơn năm trước.
Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020 và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019. Các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không thời gian qua cũng chỉ đỡ được một phần, các hãng vẫn trong trạng thái suy kiệt dòng tiền và khả năng cạnh tranh.
Nợ ngắn hạn, dài hạn của các hãng hàng không lên tới 50.000 tỷ đồng, trong khi việc phục hồi kinh tế, đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Vì thế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục.
Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là khoản thu khi sử dụng nhiên liệu bay. Năm ngoái, để hỗ trợ cho ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đã được giảm 30% về 2.100 đồng một lít, hiệu lực từ tháng 8/2020 đến hết năm nay. Việc đề xuất tăng mức giảm thuế từ 30% lên 50% theo Bộ Tài chính nhằm hỗ trợ hơn nữa cho ngành hàng không.
Anh Minh