Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Tổng giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, nếu các doanh nghiệp sử dụng băng tần 2400MHz cho 3G thì việc nâng cao chất lượng vẫn khả thi nhưng sẽ đẩy giá thành lên cao, chi phí ước tính tăng lên không được ông Hùng tiết lộ cụ thể. Hôm 16/10, 3 nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone đồng loạt điều chỉnh cước 3G, trong đó gói không giới hạn được nhiều người quan tâm đã tăng từ 50.000 đồng một tháng lên 70.000 đồng.
Lãnh đạo VNPT đề nghị Bộ cho phép doanh nghiêp sử dụng tần số thấp 900MHz và 1800MHz (đang dùng cho 2G) để tăng vùng phủ sóng, tiết kiệm chi phí. "Quy hoạch băng tần 900MHz có thể sẽ mất thời gian nên các doanh nghiệp có thể sử dụng ngay dải 1800MHz", lãnh đạo VNPT đề xuất. Doanh nghiệp sẽ thử nghiệm tần số cho 3G để xem khả năng nâng cao chất lượng phủ sóng. Cùng lúc, sẽ tập trung công suất, mở rộng vùng phủ trên mạng lưới hiện tại.
Trước kiến nghị từ VNPT, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Cục Tần số Vô tuyến điện tạo điều kiện để thí điểm thử nghiệm băng tần nâng cao chất lượng 3G. Ông nhấn mạnh: "Khi nâng giá cước 3G thì cần phải nâng cao chất lượng và đầu tư về công nghệ". Băng tần được xem là tài sản quốc gia nên việc quản lý, sử dụng cần có sự kiểm soát và cho phép của cơ quan chủ quản chứ doanh nghiệp không được tự ý sử dụng ngoài đăng ký.
Ý tưởng sử dụng băng tần 2G vốn có, nâng cấp để phục cho 3G không phải là điều mới mẻ trên thế giới. Khoảng 4 năm trước, chính quyền Pháp, Thụy Sĩ, New Zealand đã cho phép doanh nghiệp sử dụng 3G ở tần số thấp. Theo hãng nghiên cứu thị trường OVUM, nếu sử dụng dải tần 900MHz thay vì 2100MHz sẽ cắt giảm đáng kể chi phí đầu tư. Theo đó, mạng 3G ở tần số thấp phủ sóng lớn hơn 40% so với 3G ở dải 2100MHz với cùng chi phí đầu tư.
Trao đổi với VnExpress, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam - Lào - Campuchia (đơn vị chuyên sản xuất chip tích hợp 3G, 4G cho thiết bị di động) cho rằng đã đến lúc nhà mạng Việt Nam cần đầu tư vào chiều sâu. Theo ông, để khai thác hiệu quả dịch vụ mà vẫn tiết kiệm chi phí, các doanh nghiệp cần tận dụng băng tần vốn có của 2G để chuyển sang 3G.
Công nghệ phát triển nhanh chóng khiến lượng người dùng 2G có xu hướng giảm, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn còn sử dụng tốt. "Doanh nghiệp viễn thông tại một số quốc gia trên thế giới đã tận dụng hạ tầng và băng tần thấp có sẵn để đáp ứng lượng người dùng 3G ngày càng tăng", ông Nam chia sẻ.
Băng tần là tần số sóng điện từ dùng để thu phát tín hiệu liên lạc giữa các thiết bị sử dụng công nghệ không dây, trong đó có mạng GSM và CDMA. Tại Việt Nam có 5 nhà mạng đang hoạt động đều sử dụng công nghệ GSM (2G) trên 2 băng tần 900MHz và 1800MHz. Sự phát triển nhanh chóng của thuê bao khiến 2G không còn đủ sức đáp ứng, các nhà mạng phải chuyển sang công nghệ cao hơn 3G, 3,5G... Trên thế giới hiện đã có doanh nghiệp viễn thông áp dụng 4G và theo dự kiến, sang năm 2015 Việt Nam sẽ tính toán việc triển khai công nghệ này. |
Anh Quân