Cùng với việc phải chi thêm tiền sau khi 3 mạng lớn Viettel, Mobifone và Vinaphone đồng loạt tăng cước từ 16/10, nhiều khách hàng sử dụng internet di động 3G gần đây liên tục than phiền về về chất lượng dịch vụ đi xuống. Thuê bao cho biết liên tục gặp tình trạng rớt sóng xuống còn 2,75G (EDGE), tốc độ không đủ để mở một trang web hay dùng ứng dụng có yêu cầu sử dụng mạng... Đã 4 năm kể từ khi đưa vào khai thác, nhưng đến nay, 3G Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá chất lượng thực tế.
Tại buổi tọa đàm "Vì sao tăng cước 3G" diễn ra ngày 17/10, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết việc quản lý chất lượng 3G hiện nay chủ yếu theo cam kết của doanh nghiệp. "Tiêu chuẩn chất lượng về di động nói chung chủ yếu ở dịch vụ thoại, còn với dữ liệu (data) thì tạm thời chưa có", ông Trung chia sẻ.
"Chúng tôi đang hoàn thiện tiêu chuẩn cho dịch vụ dữ liệu trên di động. Khi đấy chúng tôi sẽ đánh giá theo ban hành của Bộ", lãnh đạo Cục cho biết. Theo ông, thước đo mới được xây dựng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi khách hàng, khi được áp dụng sẽ công khai toàn bộ kết quả chất lượng dịch vụ viễn thông.
Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông đều khẳng định chất lượng dịch vụ của mình vẫn tốt, không có vấn đề gì và "luôn vượt qua các đợt kiểm tra của Bộ" như lời một nhà mạng lên tiếng. Đại diện các đơn vị cho hay dịch vụ của mình được nhiều người dùng đánh giá tốt về chất lượng, tuy nhiên không tránh khỏi một số khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu của thuê bao.
Theo họ, không phải chất lượng 3G đang đi xuống mà do người dùng phát triển quá nhanh, nhu cầu thông tin tăng không ngừng nên băng thông đang bị nghẽn lại. "Công nghệ thay đổi từng ngày khiến một số điểm yếu của dịch vụ bắt đầu bộc phát, những điều từng là bình thường nay không còn được chấp nhận", đại diện một nhà mạng cho biết. Theo doanh nghiệp này, việc xây dựng hạ tầng phải theo lộ trình, vừa làm vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới, điều chỉnh trạm phát sóng cũng là một phần nguyên do khiến 3G "tậm tịt" ở một số thời điểm.
Phản ánh từ phía người tiêu dùng trên thực tế lại trái với những gì doanh nghiệp đang nói. Khách hàng ngày càng mất tín nhiệm với 3G và không ít người cho hay đã cắt dịch vụ vì cho rằng giá cả không đi kèm với chất lượng. "Nếu nhà mạng cải thiện chất lượng dịch vụ trước rồi tính chuyện tăng giá thì có lẽ người dùng sẽ vui vẻ chấp nhận hơn", một khách hàng chia sẻ.
Từ đầu năm tới nay các nhà mạng đã đưa ra 2 đợt điều chỉnh giá cước dịch vụ 3G. Xét riêng gói thuê bao không giới hạn dung lượng được nhiều người quan tâm, sử dụng, giá đã tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng vào đợt một (ngày 1/4) và tiếp tục thêm 20.000 đồng trong đợt 2 (ngày 16/10). Như vậy, chỉ sau nửa năm giá cước đã tăng gần gấp đôi và không có sự khác biệt giữa 3 nhà mạng.
Theo khảo sát người dùng 3G tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM của Nielsen, số người hài lòng với dịch vụ trong năm 2012 đã giảm so với 2011. Tính trên thang điểm 100, năm 2012 3G chỉ được chấm 64 điểm trong khi năm trước đó đạt 71 điểm. Những người tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng với mức chi phí sử dụng 3G của năm 2012 so với năm trước đó (50/100 điểm năm 2011 và 68/100 điểm năm 2012), tuy nhiên, họ vẫn mong muốn nhận được thêm nhiều chương trình khuyến mãi từ các nhà mạng. Ngoài ra, người dùng cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục thúc đẩy mạnh đa dạng hoá gói cước để phù hợp hơn với nhu cầu của họ.
Trao đổi với VnExpress, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam – Lào – Campuchia, nhận định dịch vụ 3G của Việt Nam đã có nhiều bước phát triển tích cực, tăng trưởng nhanh về số lượng người dùng và có vùng phủ sóng lớn. "Nhưng chất lượng vẫn là mối quan tâm lớn, chưa đạt được như mong muốn của các khách hàng", ông nhận xét.
Lãnh đạo hãng chuyên sản xuất chip xử lý tích hợp 3G, 4G cho thiết bị di động cho rằng sau 4 năm triển khai, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư nhiều về chiều rộng và bây giờ đã đến lúc tập trung hơn vào chiều sâu dịch vụ. "Dù chiến lược của nhà mạng thế nào, muốn đánh giá chất lượng cần xem dịch vụ có thỏa mãn được người tiêu dùng hay không".
Ông Nam chia sẻ: "Tôi nghĩ sẽ cần chiến lược để tăng thêm băng tần cho 3G nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thuê bao". Một trong những gợi ý được người đứng đầu Qualcomm đưa ra là tận dụng băng tần vốn có của 2G để chuyển sang 3G, giúp nhà mạng khai thác hiệu quả dịch vụ mà vẫn tiết kiệm chi phí. "Ở một số nước, người dùng 2G ít đi nên doanh nghiệp đã tận dụng hạ tầng, băng tần thấp vốn có để đáp ứng lượng người dùng 3G ngày càng tăng".
Anh Quân