Tại buổi họp giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng sáng 1/11, Phòng Quản lý giá cước (Cục Viễn thông) cho biết đợt tăng giá gói cước 3G không giới hạn lưu lượng chỉ ảnh hưởng tới hơn 8% người dùng dịch vụ 3G có phát sinh cước tháng 9. Trong tổng số 91 triệu thuê bao di động hiện nay, 18,9 triệu đang sử dụng các dịch vụ 3G. Theo thống kê, sau điều chỉnh, chi phí cước 3G chiếm chưa tới 60% giá thành dịch vụ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho biết hơn 90% người dùng ở vùng sâu, vùng xa, người nghèo sẽ không bị ảnh hưởng qua đợt điều chỉnh ngày 16/10. "Gói tăng chỉ tác động hơn 8% người dùng nên không gây xáo trộn đáng kể trên thị trường", Thứ trưởng nhận định. Đa phần người dùng smartphone, máy tính bảng bị ảnh hưởng sau đợt điều chỉnh nhưng đây lại thường là đối tượng khách hàng có thu nhập tốt trong xã hội.
Lãnh đạo Bộ cũng chia sẻ thêm, xu hướng quản lý hiện nay là Nhà nước không can thiệp sâu mà tôn trọng định hướng của kinh tế thị trường. Trước đây giá viễn thông thuộc diện bình ổn nhưng nay sẽ theo cơ chế thị trường, do đó quyền định giá sẽ thuộc về doanh nghiệp. Nhưng theo Thứ trưởng, viễn thông là lĩnh vực có đặc thù, Luật giá do Chính phủ ban hành không thể bao quát mà cần hỗ trợ từ Luật Viễn thông, nhất là các quy ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong ngành này.
"Về giá, các điều ước quốc tế và Luật Viễn thông quy định giá cước phải căn cứ trên giá thành, cung cầu thị trường và mặt bằng khu vực", Thứ trưởng cho biết. Đối với giá cước trong nước chỉ cần căn cứ trên giá thành, "nhưng các dịch vụ ngoài biên giới thì phải căn cứ trên mặt bằng khu vực", Thứ trưởng Lê Nam Thắng lý giải về đợt điều chỉnh giá 3G đồng loạt ngày 16/10 vừa qua.
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết, khi sử dụng Internet, doanh nghiệp Việt Nam phải thanh toán cho các đối tác nước ngoài và ngược lại. Nếu cước thu không đủ trên cơ sở giá thành thì sẽ phải bù lỗ để trả cho đối tác. Bộ đã xem xét mọi yếu tố khi điều chỉnh giá chứ không chỉ dựa trên giá thành của các nhà mạng.
Đánh giá về dịch vụ viễn thông hiện tại, lãnh đạo Bộ cho rằng chất lượng đang có vấn đề, đặc biệt là một số gói cước truy cập Internet trên di động dù không thể phủ nhận mức giá thấp. Bộ cũng yêu cầu các nhà mạng công bố dịch vụ phải công khai chi tiết chất lượng, nghiêm túc kiểm tra, quản lý, giám sát nhiều hơn. Ngoài ra, cơ quan chủ quản sẽ sớm ban hành thông tư quản lý giá theo Luật giá mới và Luật viễn thông.
Anh Quân