Đề xuất được nêu trong công văn Sở Giao thông Vận tải vừa gửi các đơn vị liên quan để nhận góp ý, sau hơn 4 tháng hạn chế xe giường nằm vào nội đô theo khung giờ.
Việc tăng thời gian cấm, theo cơ quan này nhằm tăng cường quản lý cũng như giám sát chặt chẽ hoạt động của ôtô giường nằm. Vành đai cấm xe vẫn như trước, giới hạn bởi các tuyến: quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1. Xe vẫn được chạy bình thường trên các tuyến vành đai.
Xe giường nằm vào bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, theo hành lang: quốc lộ 1 - quốc lộ 13 - đường Đinh Bộ Lĩnh - bến xe Miền Đông - quốc lộ 13 - quốc lộ 1. Tại bến xe Miền Tây theo trục: quốc lộ 1 - đường Kinh Dương Vương - bến Miền Tây và ngược lại.
Theo Sở Giao thông Vận tải, phương án cấm xe giường nằm vào nội đô 6-22h đã giúp tình hình giao thông ở khu trung tâm ổn định hơn. Tuy nhiên, việc này làm phát sinh tình trạng ôtô giường nằm dừng, đỗ ở các tuyến đường vành đai chờ vào đón trả khách; hình thành nhiều "bến cóc" như: đoạn qua khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trạm xăng Tam Bình, Hùng Nghĩa trên quốc lộ 1 (TP Thủ Đức); bãi xe số 39 ở giao lộ quốc lộ 1 - đường số 7 - số 18; bãi đối diện số 13 Lê Cơ (quận Bình Tân)... Các bãi xe này gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc ở khu vực.
TP HCM đang có 58 doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định với gần 1.600 xe; hơn 1.350 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch, với gần 91.000 xe. Trong đó, ôtô hoạt động ở 5 bến liên tỉnh tại thành phố, gồm: Miền Đông, Miền Đông mới, Miền Tây, An Sương, Ngã tư Ga, lộ trình không qua khu trung tâm. Hồi tháng 3, ngành giao thông thành phố ghi nhận 60 địa điểm xe thường xuyên đón trả khách sai quy định, tập trung nhiều ở khu nội thành, giảm 16 điểm so với cuối năm ngoái.
Gia Minh