Nội dung được đề cập trong kết quả đàm phán phụ lục hợp đồng dự án chống ngập do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) của đại diện nhiều sở, ngành vừa gửi UBND TP HCM.
Theo hợp đồng năm 2016, thành phố thanh toán 7 khu đất cho nhà đầu tư. Còn theo thỏa thuận mới, quỹ đất thanh toán dự kiến giảm còn 5, tổng giá trị ước tính hơn 1.800 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án sẽ được gia hạn cho đúng thực tế.

Công trường thi công cống Tân Thuận - một trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án, hồi tháng 3/2022. Ảnh:Gia Minh
Tổ đàm phán đánh giá phương án điều chỉnh cùng lúc thời gian thực hiện và quỹ đất thanh toán cho dự án sẽ tạo đồng thuận giữa các bên vì có cơ sở để ngân hàng BIDV giải ngân. Bởi nếu không có điều khoản quỹ đất thanh toán ở phụ lục hợp đồng BT điều chỉnh, BIDV không tiếp tục ký hợp đồng tín dụng. Việc này cũng khiến Ngân hàng Nhà nước không thể gia hạn tái cấp vốn cho công trình.
Một phương án khác cũng được tổ đàm phán đưa ra là điều chỉnh thời gian thực hiện công trình trước, sau đó mới điều chỉnh quỹ đất thanh toán. Tuy nhiên, cách này bị cho là khó tạo đồng thuận.
Công trình 10.000 tỷ được đầu tư với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM. Tuy nhiên đến nay dự án đã trễ hẹn 4 năm do chưa thống nhất phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Việc TP HCM ký hợp đồng thanh toán với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho chưa phù hợp.
Tháng 4 năm ngoái, Chính phủ chấp thuận cho thành phố làm tiếp dự án theo cơ chế đặc thù nhằm tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND thành phố được yêu cầu hoàn thành dự án đúng quy định; đồng thời thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý. Tuy nhiên, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký.
Việc dừng thi công kéo dài được cho gây nhiều hệ luỵ, phát sinh lớn chi phí. Theo tính toán của nhà đầu tư, hơn một năm dự án tạm dừng từ giữa tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, chi phí lãi vay, nhân công, máy móc thiết bị chờ việc, khấu hao vật tư, thuê kho bãi... đã phát sinh hơn 600 tỷ đồng.
Gia Minh