Sáng 4/12, phát biểu tại hội thảo Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nêu thực trạng nhiều lãnh đạo mong muốn đóng góp nhưng "cảm nhận sự rủi ro, nên lựa chọn không hành động", đảm bảo an toàn cho cá nhân.
"Như vậy làm sao mà kinh doanh, làm sao có đổi mới?", ông nói và cho rằng Việt Nam cần nghiên cứu, học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật.
"Tôi đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt doanh nghiệp nhà nước", ông Cung đề xuất.
Theo ông, quy hoạch cán bộ là chọn người thay thế trong tương lai nên sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, người giỏi mà chỉ chọn được người tuân thủ. Nếu lựa chọn như vậy thì mất đi cơ hội lựa chọn người tài trong xã hội, lãng phí nguồn lực.
Vì vậy, "thay vì quy hoạch, hãy làm chương trình, kế hoạch tìm kiếm tài năng, săn đầu người như các tập đoàn, công ty đa quốc gia để không bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc".
Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. "Với hơn 100 tỷ tài sản của doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nâng cao hiệu quả thì chắc chắn tăng thêm 2-3 điểm % tăng trưởng về kinh tế", ông Cung nói.
Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long đề nghị từng bước thí điểm chủ trương thi tuyển để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ quy hoạch để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Ông cho rằng, cần giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm với cấp dưới trực tiếp; xây dựng quy định chế tài xử lý cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; xây dựng cơ chế thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành...
Bên cạnh tiêu chuẩn chung, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về lựa chọn người có năng lực, đặc biệt nhấn mạnh tiêu chuẩn đào tạo, kinh nghiệm, tầm nhìn chiến lược, năng lực quản trị và đạo đức... Phương thức lựa chọn người đại diện và điều hành doanh nghiệp nhà nước cũng cần đổi mới theo hướng tuyển người kèm theo phương án kinh doanh; bỏ phiếu kín, lựa chọn những người được điểm cao nhất để bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo quản trị điều hành doanh nghiệp trong nhiệm kỳ ba năm.
"Phải giám sát và có cơ chế thưởng phạt hằng năm bằng chế độ lương, thưởng, kỷ luật, sa thải. Chế độ luân chuyển, đổi mới người đại diện trong từng doanh nghiệp theo nguyên tắc không được làm đại diện phần vốn nhà nước trong một doanh nghiệp quá hai nhiệm kỳ...", ông Long nói.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, báo cáo và tham luận từ bộ ngành, địa phương, chuyên gia... gửi về Ban Kinh tế Trung ương cho thấy hiện nay, có nhiều vướng mắc trong công tác cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông Phong, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh quốc tế. Điều này đúng như đánh giá tại Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là "thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực"; "chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp".
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Hội thảo nhằm tập hợp ý kiến của các cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp nhà nước, từ đó kiến nghị, đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030.
"Hội thảo cung cấp thêm luận cứ cho xây dựng Đề án Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trình Bộ Chính trị trong năm 2022", ông Phong cho hay.