Đồng tình với việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa ngày 1/11 chỉ đạo thu hồi quyết định đuổi học học sinh vì xúc phạm giáo viên trên Facebook, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng nhiệm vụ của nhà trường là giúp học sinh nhận thức thiếu sót, tiếp tục hoàn thiện nhân cách để trở thành người có ích cho xã hội. Mọi ứng xử của nhà trường với học trò điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải hướng tới giáo dục các em.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Là Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, nhiều năm quản lý trường học có nhiều học sinh nổi tiếng ngỗ ngược, TS Lâm cho rằng sai lầm của học sinh đôi khi lại là tình huống tốt để sự giáo dục có hiệu quả hơn. Nhân sự việc đó, thầy cô bằng tình yêu thương giúp học sinh tự nhận thức sai lầm, thấm thía những điều mình gây ra và biết trân quý giáo viên hơn, tích cực học hành. "Giữa việc làm như thế và việc đuổi học sinh bơ vơ ra ngoài xã hội suốt một năm, cái nào sẽ tốt hơn?", ông Lâm đặt câu hỏi.
Thầy Lâm phân tích, học sinh tuổi 15 (lớp 10) đang hình thành nhân cách nên có sự bồng bột trong suy nghĩ, hành xử. Việc mắc sai lầm là không tránh khỏi. Quá trình giáo dục hay xem xét kỷ luật học sinh, giáo viên cần cân nhắc về tâm lý lứa tuổi để đưa ra mức phù hợp. Việc áp dụng hình thức kỷ luật khắt khe đôi khi phản tác dụng.
"Ở trường tôi, học sinh vi phạm đều được mời lên trao đổi với giáo viên. Chúng tôi hướng đến sự hòa giải văn minh giữa thầy - trò, làm cho học sinh tự nhận ra lỗi lầm và sửa chữa. Tôi tin học sinh nào bản chất cũng tốt và sẽ có sự thay đổi qua cách giáo dục tích cực của nhà trường", TS Lâm nói.
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), thầy Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng việc áp dụng hình thức khắt khe để kỷ luật học sinh là "không mang tính giáo dục hiện đại". Ở lứa tuổi dậy thì (dưới 18), học sinh đang trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách nên nhận thức chưa được đúng đắn. Hành xử của thầy cô cần mang tính thuyết phục, động viên và giúp đỡ các em nhận ra lỗi lầm, sửa chữa.
Hiệu trưởng trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình. |
"Trong nhà trường, gia đình luôn có những quy định mà nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, có nhiều hình thức xử lý mềm dẻo giúp người phạm lỗi nhận ra lỗi lầm và khuyến khích họ sửa sai. Điều đó tốt hơn nhiều việc kỷ luật cứng nhắc, chặn con đường đi tiếp theo của học trò", ông Bình nói và cho rằng dù học sinh phạm lỗi như thế nào, cách xử lý của nhà trường vẫn nên mang tính bao dung, tạo cơ hội cho các em sửa sai.
Nhiều năm làm hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội), thầy Bình không ít lần phải xử lý học sinh hư. Việc đầu tiên ông làm là nói chuyện với học sinh để tìm hiểu nguyên nhân. Những em hư hỗn có thể bị cảnh cáo, xếp loại hạnh kiểm yếu, ghi học bạ. Nếu quá trình kỷ luật học sinh được bạn bè, thầy cô đánh giá là có thay đổi tích cực, mức kỷ luật có thể được giảm, thậm chí xóa bỏ. "Đây là cách chúng tôi khuyến khích học trò sửa sai, trở thành người tốt hơn. Thực tế nó đã rất hiệu quả", ông Bình nói.
Thầy giáo đánh giá việc đuổi học một năm học sinh của trường THPT Nguyễn Trãi là quá nặng. Sự việc cần được tìm hiểu từ cả hai phía, giáo viên nếu làm điều gì không thỏa đáng, gây bức xúc cho học trò, cũng cần kiểm điểm.
Học sinh mong muốn thầy cô "giơ cao đánh khẽ"
Nhiều học sinh THPT, sinh viên đại học khi được hỏi đều thừa nhận từng nói xấu giáo viên, giảng viên khi bức xúc trước việc làm không thỏa đáng nào đó của thầy cô giáo. Mặt khác, do nói tục phổ biến trong đời sống học trò nên khi nói xấu thầy cô, theo thói quen các em sẽ văng tục.
"Hồi lớp 10 chúng em nói tục, nói xấu thầy cô vì bạn bè xung quanh đều thế và để chứng tỏ cá tính của bản thân. Nhưng bây giờ, khi đã trưởng thành hơn, tự chúng em đều hiểu hành vi đó là xấu xí nên trong lớp gần như không ai làm vậy nữa", Hà Anh - học sinh lớp 12 một trường THPT ở Hà Nội nói.
Phản đối việc dùng ngôn từ tục tĩu nói xấu thầy cô, nhưng nữ sinh Hà Nội không đồng tình việc nhà trường đuổi học một năm các học trò đó. Hình thức kỷ luật này theo em không thuyết phục vì phụ huynh gửi con đi học là để được giáo dục. Học sinh mắc sai lầm, nhà trường đuổi học ngay có thể khiến học sinh, phụ huynh khác có cái nhìn tiêu cực về lãnh đạo trường.
"Ở lứa tuổi thích thể hiện, rất sĩ diện, nếu bị đuổi học một năm đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ dị nghị, chê bai, đánh giá..., các bạn chắc chắn cảm thấy xấu hổ và phản ứng tiêu cực. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiều hành động sai lầm sau đó của học sinh", Hà Ánh nói.
Một nam sinh lớp 12 trường THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, các biện pháp mềm dẻo có tác dụng giáo dục tốt hơn kỷ luật khắt khe, đặc biệt là với lứa tuổi dậy thì thích thể hiện cái tôi. "Khi cô giáo phê bình em trước lớp, em sẽ ác cảm và chống đối cô. Nhưng có những giáo viên chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng với riêng em, em sẽ nghe lời, không tái phạm", nam sinh chia sẻ.
Ngày 23/10, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi ký quyết định đuổi học một năm ba học sinh lớp 10A5. Bốn nam sinh khác bị đuổi học một tuần lễ và một nữ sinh bị cảnh cáo trước toàn trường. Lý do là trong nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”, học sinh nói tục tĩu, nói xấu và xúc phạm thầy cô, nhà trường.
Ban giám hiệu nhà trường sau đó đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình. Do học sinh không có thái độ tiếp thu, tiếp tục vi phạm, nhà trường phải kỷ luật.
Ngày 1/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định đuổi học bảy học sinh lớp 10A5, thông báo cho các em ngày mai đến trường học tập. "Nhà trường đã kỷ luật quá nặng tay, nóng vội, không mang tính giáo dục. Vi phạm của các em chưa đến mức phải đuổi học một năm", Giám đốc Sở Giáo dục Phạm Thị Hằng nói.