Sau vụ học sinh xúc phạm thầy cô ở trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa), hiệu trưởng lập hội đồng kỷ luật, đuổi học một năm ba học sinh, đuổi một tuần bốn em khác và cảnh cáo trước toàn trường một nữ sinh. Dưới sức ép dư luận và chỉ đạo của Sở Giáo dục Thanh Hóa, trường phải giảm mức kỷ luật.
Nhiều nhà quản lý giáo dục chia sẻ hiện các trường rất lúng túng trong việc xử lý học sinh vi phạm nội quy. Căn cứ chủ yếu để xem xét kỷ luật là hai văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, gồm: Thông tư 12 năm 2011 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư 08 năm 1988 hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh phổ thông.
Điều 41 trong Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên...; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh... Học sinh vi phạm bị xử lý theo bốn mức độ: phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Tuy nhiên, thông tư không quy định cụ thể vi phạm nào, mức độ ra sao sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nào.
Căn cứ chính để giáo viên, các trường áp dụng mức kỷ luật học sinh do đó chỉ còn Thông tư 08 năm 1988. Văn bản này quy định năm hình thức kỷ luật học sinh, có đề cập một số lỗi cụ thể. Ví dụ học sinh nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian một tháng; nói năng thô tục, đánh bạc, hút thuốc lá... bị khiển trách trước lớp. Học sinh ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường, có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo... bị cảnh cáo trước toàn trường.
Ra đời từ 30 năm trước, Thông tư 08 đã lạc hậu, nhất là khi Internet, Facebook phát triển, học sinh có nhiều hình thức vi phạm mới. "Học trò nói xấu giáo viên trên Facebook thì bị xử lý thế nào? Giữa nói xấu công khai và nói xấu trong nhóm kín thì xử lý có khác nhau? Những vi phạm này không có trong các văn bản của Bộ", một giáo viên THCS công lập ở Hà Nội, nói.
Thực tế, giáo viên đã sáng tạo ra nhiều cách phạt học sinh như: cho đứng ngoài cửa lớp, quét dọn nhà vệ sinh, thu điện thoại di động một thời gian... Gần đây, ở Thừa Thiên Huế, cô giáo phạt học sinh ngậm ngang bút chì vì hay nói chuyện. Ở TP HCM, cô giáo yêu cầu trò tự tát vào mặt vì vi phạm nội quy. "Tất cả đều không có trong quy định của Bộ. Giáo viên chúng tôi rất thiếu hành lang pháp lý, căn cứ cụ thể, phù hợp để xác định hình thức kỷ luật học sinh vi phạm và yên tâm thực thi", một giáo viên trường THCS công lập tại Hà Nội, nói.
Theo giáo viên này, cô và nhiều đồng nghiệp khi kỷ luật học sinh dù là hình thức nhẹ như đứng 15 phút, đánh nhẹ vào tay... vẫn lo lắng, sợ phụ huynh khiếu kiện. Để an phận, tránh phiền hà, nhiều thầy cô chọn cách không áp dụng bất cứ hình thức nào, trừ việc yêu cầu viết kiểm điểm. Họ trông chờ Bộ Giáo dục xây dựng thông tư hướng dẫn xử lý kỷ luật mới, phù hợp với thực tế hoặc bảng quy tắc ứng xử có giá trị, khả thi để yên tâm vận dụng.
Bộ Giáo dục sẽ thay thế Thông tư 08
"Sau 30 năm, Thông tư 08 có nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, giáo dục học sinh hiện nay. Bộ Giáo dục đã tiếp nhận nhiều phản ánh của giáo viên, cơ sở giáo dục", ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên thừa nhận.
Từ năm 2016, Bộ trưởng Giáo dục đã giao cho Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các đơn vị liên quan nghiên cứu về kỷ luật tích cực đối với học sinh và dự thảo thông tư thay thế. Thông tư mới sẽ quy định nguyên tắc, hình thức và trình tự xử lý kỷ luật học sinh phổ thông trên quan điểm kỷ luật tích cực, giúp học sinh nhận thức được khuyết điểm để khắc phục dưới sự quản lý, giúp đỡ của giáo viên, gia đình và xã hội.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đang hoàn thành chuyên đề nghiên cứu về kỷ luật trong trường học. Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên đã xây dựng dự thảo thông tư mới thay thế và đang xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục. "Dự kiến, sau khi Quốc hội thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 8, phù hợp với thực tiễn", ông Linh nói.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên đánh giá, việc kiểm điểm, phê bình, nhắc nhở và xử lý kỷ luật nhằm răn đe, giáo dục học sinh là rất quan trọng trong quá trình giáo dục của trường học. Biện pháp này để học sinh nhận thức rõ khuyết điểm, từ đó tự khắc phục, hoàn thiện nhân cách; cũng là cách giữ nghiêm kỷ cương, nền nếp học đường. Tuy nhiên, mọi hình thức kỷ luật học sinh đều phải mang tính giáo dục, được Hội đồng kỷ luật của nhà trường xem xét thấu đáo, dựa trên từng vi phạm cụ thể. Các hình thức, phương pháp giáo dục này cần có sự trao đổi, đồng thuận của phụ huynh.
Ngoài ra, trong vấn đề xử lý kỷ luật học sinh, hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm xây dựng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục, trên cơ sở thống nhất của Hội đồng sư phạm nhà trường và cha mẹ học sinh. Các quy định cần được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng giáo viên, học sinh, phụ huynh từ đầu mỗi năm học để các bên cùng thực hiện, tạo sự đồng thuận khi xem xét, xử lý kỷ luật những trường hợp cụ thể.