Các vị trí trên được một số đơn vị đề xuất sau khi Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề nghị rà soát các khu đất công có thể làm bãi xe công cộng. Tổng diện tích các khu đất này dự kiến hơn 1.500 m2, sức chứa khoảng 350 ôtô từ 9 chỗ trở xuống và 200 xe máy.
Động thái trên được đưa ra sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế đặc thù, cho phép TP HCM được xây dựng các bãi xe công cộng có thời hạn trên đất do nhà nước quản lý.
Theo Sở Giao thông Vận tải, hiện có hai hình thức phổ biến xây dựng các bãi xe lắp ghép thông minh là tự động hoàn toàn và bán tự động. Trong đó, việc áp dụng công nghệ bán tự động được đánh giá có chi phí đầu tư thấp, quản lý không phức tạp, thời gian thi công ngắn hơn so với hình thức còn lại.
Công trình đầu tư theo cách này cũng có thời gian thu hồi vốn nhanh, phí bảo trì thấp... Cơ quan trên đã đưa ra các ưu, nhược điểm cụ thể của hai hình thức này để các bên liên quan đánh giá và đề xuất triển khai.
Việc nghiên cứu thí điểm bãi xe cao tầng nằm trong định hướng ngành giao thông thành phố về triển khai các công trình giữ xe ở trung tâm và những nơi thiếu chỗ đậu xe. Các bãi xe cao tầng lắp ghép được cho chiếm ít diện tích, chi phí thấp so với bãi xe ngầm; dễ lắp đặt, thi công nhanh; khi cần có thể tháo dỡ, di dời...
Trung tâm TP HCM được quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm, tổng sức chứa khoảng 6.300 ôtô, 4.000 xe máy, nhưng hiện chưa dự án nào được triển khai trong bối cảnh khu vực này thiếu nơi đậu xe trầm trọng. Mới đây tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh đề xuất thành phố tính phương án làm bãi xe ngầm từ vốn ngân sách vì các dự án này khó kêu gọi tư nhân đầu tư, thời gian triển khai kéo dài.
Gia Minh