Lại thêm một nỗ lực khuyến khích người dân Sài Gòn vận động cũng như phát triển giao thông công cộng: Sẽ thí điểm 388 xe đạp đậu ở 43 trạm tại quận 1 và 3 được cho thuê 10.000 đồng một giờ mỗi chiếc.
Thật ra mô hình xe đạp công cộng này không mới, nó đã được đưa vào thử nghiệm một lần. Tôi sống ở Khu đô thị đại học quốc gia TP HCM, năm 2018, một doanh nghiệp thử nghiệm dự án xe đạp thông minh E-bike ở đây.
Khu đô thị đại học quốc gia là một nơi rất lý tưởng để khuyến khích mọi người đi xe đạp. Về mặt cảnh quan, đường sá ở đây rộng rãi, ít xe ôtô, xe tải lớn. Trục đường từ ký túc xá B đến các đại học thành viên, chạy quanh hồ đá là một con đường thơ mộng. Thậm chí có đường dành riêng cho người đi xe đạp được lát nhựa và sơn màu đỏ để đánh dấu.
Về mặt con người, cư dân nơi này đa số là sinh viên, thanh niên trẻ khỏe, có nghĩa là thể chất hoàn toàn phù hợp với việc đi xe đạp. Về mặt ý thức, tôi cũng tin tưởng sinh viên sẽ thuê mượn xe, sử dụng và bảo quản tốt nhất. Tuy nhiên, cái cảm giác sống lâu năm tại đây và bằng những quan sát mỗi ngày, có rất ít sinh viên vận động, chạy bộ, tôi đoan chắc mô hình sẽ rơi vào dĩ vãng.
Khi trang fanpage của các đơn vị liên quan hào hứng đăng ảnh chụp mấy chiếc xe đạp, tôi đã tự tin và nói chắc nịch với mọi người dự án này sẽ chết yểu. Và thật vậy, từ ngày khai trương cho đến khi nó ngưng hoạt động, tôi thấy rất ít người đi xe đạp trong khu đô thị này. Thậm chí còn đọc được thông tin người mượn xe vô ý thức, để xe đạp bừa bãi.
Sự thất bại của dự án xe đạp trong khu đô thị đại học Quốc gia TP HCM cũng không có gì khó hiểu. Hiếm có một phong trào, dự án nào mà thành công ngay từ lần đầu thực hiện. Trong hoàn cảnh người dân đa số đều ngại hay nói cách khác là lười vận động thì việc kêu gọi từ bỏ xe cá nhân, dùng xe công cộng hay xe đạp để bớt ô nhiễm phải là một chiến dịch trường kỳ với nhiều biện pháp được đưa ra.
Vì thế, khi thử nghiệm cho thuê xe đạp để phát triển giao thông công cộng ở trung tâm thành phố tôi nghĩ rằng nếu như cho thuê xe đạp để khách du lịch thuê vài chục phút, đạp quanh khu Nhà thờ Đức bà, khu trung tâm rồi chụp vài pose hình tạo dáng thì sẽ xa rời mục đích chính là phát triển giao thông công cộng.
>> 'Nhiều người đi 100m cũng phóng lên xe máy'
Theo tôi, chúng ta có thể phát triển giao thông công cộng ở trung tâm bằng cách:
Thứ nhất và quan trọng nhất là giành lại vỉa hè từ những cửa hàng, nhà dân lấn chiếm. Giành lại vỉa hè sẽ có không gian đi lại cho người đi bộ, với một số tuyến đường rộng rãi hơn, có thể biến một phần vỉa hè thành đường đi riêng cho xe đạp. Việc phân tách đường giữa xe đạp và các phương tiện khác như ôtô, xe máy là tín hiệu để người dân thấy đi xe đạp sẽ được ưu tiên và an toàn.
Thứ hai, phải có mạng lưới đường dành cho xe đạp. Ví dụ nhà tôi ở Bình Thạnh, công ty cách nhà 5km. Đường từ nhà đến công ty có thể dễ dàng đi bằng xe đạp thì tôi sẽ dùng phương tiện này. Chúng ta đang hướng đến việc có nhiều phố đi bộ, vậy tại sao những con đường dành cho xe đạp thì sao không nghĩ đến?
Thứ ba, phải cho người dùng thấy ích lợi rõ ràng từ việc đi xe đạp. Tôi nghĩ các công sở, công ty có thể tặng thưởng, vinh danh cho những nhân viên đi làm bằng xe đạp. Các công ty cho thuê xe đạp có thể phối hợp với các quán ăn, cà phê giảm giá, tặng voucher cho người đi xe đạp đạt hạn mức 50km, 100km...mỗi tuần.
Việc phát triển xe đạp công cộng là cần thiết, đây sẽ là tiền đề để hướng đến việc cấm xe cá nhân trong trung tâm. Và hơn ai hết, mỗi người dân sẽ đóng vai trò thành bại của dự án.
Thanh Yên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.