Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã triển khai được 5 năm, trong đó yêu cầu giáo viên lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong khi ra đề - kiểm tra, để thực sự đánh giá được năng lực người học (tránh tình trạng học thuộc lòng từ tài liệu có sẵn).
Sau 5 năm, các văn bản từng được đưa vào sách giáo khoa cũ, các văn bản trực tiếp được Bộ Giáo dục & Đào tạo gợi ý đã cạn nguồn, giáo viên phải tìm đến các nguồn thực sự mới. Thử thách này thú vị, nhưng không dễ dàng với giáo viên Ngữ văn một thời gian dài đã quen phụ thuộc vào văn bản có sẵn.
Sự lúng túng của họ bộc lộ vào các mùa thi, chẳng hạn tháng 12 - thời điểm kiểm tra cuối kỳ. Hai giáo viên ở huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vừa bị kiểm điểm vì trích dẫn truyện cười dân gian làm ngữ liệu cho đề thi môn Văn lớp 8. Truyện kể về một người đau bụng, bí đại tiện phải tới thầy lang bốc thuốc. Nhưng khi bệnh khỏi, người này "quên" trả công, khiến thầy lang phải ra đồng rình, bắt tận tay "tang chứng vật chứng".
Dư luận "làm ầm lên" rằng đề thi "thiếu tế nhị", "dơ bẩn", "mất vệ sinh quá" khiến nhiều người liên quan trong ngành giáo dục bị kiểm điểm hoặc xem xét trách nhiệm.
Trước "thầy lang", giáo viên cũng suýt "gặp họa" khi ra đề thi về thầy đồ. Cuối tháng 12 năm ngoái, giáo viên trường THCS Colette, TP HCM trích ngữ liệu từ truyện cười về những thầy đồ vừa xấu tính vừa tham ăn. Một phụ huynh, sinh ra trong gia đình có nhiều người làm nhà giáo, đã cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm, nên mới nêu ý kiến rằng giáo viên không nên chọn những ngữ liệu như vậy.
Những đề thi này theo tôi không sai sót về nghiệp vụ chuyên môn. Chuyện vì thế không có gì phải ầm ĩ, giáo viên càng không đáng bị kỷ luật hay khiển trách. Các ngữ liệu được trích dẫn thuộc kho tàng truyện cười (một bộ phận của văn học dân gian), chỉ trích thói tật xấu của nhiều loại người trong xã hội, để hướng người đọc tới cái đúng, cái tốt.
Không sai, nhưng giáo viên hoàn toàn có thể chọn các ngữ liệu tốt, an toàn hơn. Ngoài yếu tố "vệ sinh" có thể gây sao nhãng (không đáng kể) trong tiếp nhận của học sinh, ngữ liệu của giáo viên huyện Thanh Bình có điểm hạn chế là chưa xác định rõ hơn bối cảnh. Học sinh không chỉ nêu ra được đây là thời phong kiến ở làng xã, mà phải nhận biết được tình trạng "giao kèo bằng miệng", không có hệ thống y tế chính thức, là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện bi hài này. Thầy lang trong truyện có vai trò và vị thế rất khác với bác sĩ thời nay. Đây là điểm cần lưu ý khi khai thác bất kỳ văn bản dân gian nào.
Còn trong đề thi của trường Colette, chi tiết đáng quan tâm hơn là nguồn trích dẫn được người ra đề ghi chú là đường link một trang web giới thiệu sách trên mạng, mà tôi cho là chưa đủ tin cậy để sử dụng làm văn bản giảng dạy và kiểm tra.
Vậy, vấn đề lớn hơn cần quan tâm ở đây là làm sao để cung cấp, hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng dữ liệu văn bản?
Tại các quốc gia đã có kinh nghiệm cho giáo viên làm chủ ngữ liệu giảng dạy, có hai phương pháp cơ bản, một từ trên xuống và một từ dưới lên.
Cách một là các nhà xuất bản, viện nghiên cứu, trường đại học lớn xây dựng các tuyển tập văn bản (anthology, resource book...) giúp giáo viên dễ dàng hơn khi tra cứu và lựa chọn tác phẩm. Không chỉ gom tác phẩm lại rồi in chung vào một cuốn, các bộ tuyển tập này phải giới thiệu văn bản trong sự đa dạng và gắn kết của nó với lịch sử văn học, thời đại, xu hướng nội dung. Ví dụ, Tuyển tập văn học Phật giáo Việt Nam không chỉ giới thiệu các tác giả tác phẩm tiêu biểu; mà còn phải giới thiệu bối cảnh lịch sử; văn học Phật giáo của các nước khác; các công trình nghiên cứu tiêu biểu; dẫn nhập về văn học tôn giáo nói chung. Cung cấp bối cảnh rộng lớn như vậy, giáo viên có thể đo lường và thiết kế hết được các nội dung phát sinh khi ra đề. Hiện nay, ở Việt Nam, trừ các công trình cấp quốc gia, chưa nhiều bộ tuyển tập đạt được yêu cầu như trên. Ngay cả các công trình đạt yêu cầu cũng khó tiếp cận với giáo viên do được in số lượng ít, giá thành cao và hiếm khi xuất hiện ở thư viện trường phổ thông.
Cách hai là nội bộ các học khu (cấp quận, tỉnh) phải xây dựng bộ dữ liệu dùng chung cho giáo viên. Các ngữ liệu mới, được thẩm định là đạt yêu cầu trong từng tháng/năm sẽ được chia sẻ cho toàn bộ giáo viên kèm đánh giá ưu, nhược điểm để giáo viên tùy biến vào bài kiểm tra của mình. Phản hồi, bình luận của giáo viên sau khi sử dụng sẽ được thu thập để cải tiến liên tục bộ dữ liệu này.
Cả hai phương pháp trên đều đang được công nghệ hỗ trợ cao độ. Càng nhiều giáo viên hợp tác sử dụng trên nền tảng trực tuyến thì lịch sử tìm kiếm ngữ liệu, tra cứu chéo văn bản, tự động đề xuất văn bản... càng trở nên chính xác và giảm thời gian làm việc cho toàn thể giáo viên.
Hỗ trợ để giáo viên nâng cao tri thức từng ngày sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền giáo dục hơn là để cho bất cứ phụ huynh nào cũng có thể "vào vai" giáo viên.
Lang Minh