Hồi thế kỷ trước tôi cũng phải "đi nhặt vợ" trong một kỳ thi tốt nghiệp. Năm đó phân ban A thi bài Vợ Nhặt (Kim Lân), còn khối không phân ban thi bài Đôi Mắt (Nam Cao). Tới giờ tôi chỉ nhớ được mấy thứ: anh Tràng, bà cụ Tứ, bánh đúc, xe bò và rau chuối.
Bài thi của tôi có kết quả rất tốt, do công ơn của cô giáo đã ôn thi rất kỹ, lập dàn bài cho từng tác phẩm, bắt chúng tôi học cho thuộc. Tôi đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu được giao, nhưng có một điểm hết sức buồn cười: lúc đó tôi chả biết rau chuối là cái gì.
Tôi cứ nghĩ là ở miền Bắc có món rau gì đó gọi là rau chuối, và món rau đó không liên quan tới cây chuối, kiểu như cá heo không liên quan gì tới con heo. Khả năng văn chương của tôi đem so với khuôn vàng thước ngọc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là như vậy đó.
Vì tò mò nên tôi đi tìm hiểu xem ở Mỹ người ta dạy và học môn văn như thế nào. Hóa ra là họ cũng có dạy văn chương, bao gồm các tác phẩm của Shakespeare, Les Miserables (Những người khốn khổ), Beowulf và các tác phẩm kinh điển khác. Học sinh đọc tác phẩm, nghe giáo viên giảng, về nhà viết vài bài luận (essay) và được chấm điểm. Điểm này trở thành điểm học bạ.
Còn đi thi chắc phải nghĩ tới kỳ thi SAT. Phần "verbal test", tức là phần thi ngôn ngữ, cũng giống như kỳ thi IELTS, khi mà các thí sinh phải đọc một đoạn văn, thi trắc nghiệm kiểu đọc hiểu. Thí sinh cũng phải vượt qua các câu hỏi liên quan tới văn phạm, điền từ vào chỗ trống.
Các tác phẩm văn học không xuất hiện. Nói đúng hơn thì một số đoạn trích có xuất hiện, nhưng với mục đích đọc hiểu. Một bài thi thử của SAT là một trích đoạn của một tác phẩm văn học hiện đại viết về một dòng họ ở Nhật những năm 1920, nhưng câu hỏi chỉ là các câu hỏi về đọc hiểu, tương tự như ở kỳ thi IELTS hay TOEFL.
Tôi cũng thường hay thắc mắc là vì sao phần thi đọc hiểu của các kỳ thi IELTS hay TOEFL thường có nội dung khá hàn lâm, như là cái bài viết về khảo cổ học hay địa chính trị. Khi nghiên cứu phần verbal test của SAT, tôi mới thấy rằng có khá nhiều điểm tương đồng. Các sinh viên quốc tế phải biết tiếng Anh, và cũng phải có khả năng đọc hiểu và sử dụng tiếng Anh trong môi trường hàn lâm, nên bài thi IELTS hay TOEFL mới như vậy.
Nói cách khác, các kiến thức về văn chương không quan trọng. Ở Mỹ, học sinh cấp ba không bị kiểm tra các kiến thức về phương pháp tu từ trong Macbeth (tên vở kịch của William Shakespeare) hay diễn biến tâm lý nhân vật Beowulf, mặc dù họ có học các tác phẩm đó.
Thay vào đó, để vào đại học, các học sinh phải vượt qua các câu hỏi để chứng minh khả năng đọc và hiểu các tài liệu văn chương hay khoa học hàn lâm. Điều này rất có lý, bởi vì bao nhiêu du học sinh tới Mỹ có ai biết gì về Beowulf đâu, nhưng họ thi đỗ TOEFL và có khả năng đọc hiểu tiếng Anh ở trình độ hàn lâm, cái đó mới quan trọng.
Cho tới tận bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc, "tiết mục" văn nghị luận, phân tích tác phẩm, phân tích diễn biến tâm lý nhân vật, phân tích biện pháp tu từ gì đấy nó ở đâu ra?
Mấy chục năm nay toàn bộ các giáo viên Ngữ văn ở Việt Nam cứ phải bám lấy chỗ đấy mà dạy, bảo họ đi dạy các em học sinh cách đọc hiểu hay viết lách như môn tiếng Anh chắc là không được.
Thậm chí có giáo viên môn Văn còn đăng đàn và phán rằng kỳ thi tốt nghiệp môn Văn là để kiểm tra kiến thức văn chương, còn kì thi TOEFL với IELTS chỉ là kỳ thi ngôn ngữ, không thể nào so sánh được.
Đúng là không thể so sánh được, nhất là khi một bên là để xác định khả năng học đại học bằng một ngôn ngữ, còn bên kia là để xác định khả năng rung động theo mẫu, phân tích theo dàn bài. Cái đấy thì cô giáo đã lo, còn chuyện món rau chuối thì tới gần hai chục năm sau tới mới biết nó là cái gì. Một người bạn đã nói cho tôi nghe khi tôi thắc mắc "cái bắp chuối ở ngoài Bắc gọi là gì nhỉ?".
Xét cho cùng, là tôi đi thi môn Văn, chứ có thi môn ngôn ngữ Việt đâu.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.