Chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang gây tiếng vang trên toàn thế giới. Cả quan chức cấp cao và cấp thấp đều nằm trong tầm truy quét của chiến dịch. Việc hạ bệ nhiều quan tham dẫn đến tình trạng thiếu phòng giam trong các "nhà tù hạng sang", vốn là nơi giam giữ các quan chức hàng đầu Trung Quốc.
Đầu năm nay, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã trở thành chính trị gia cấp cao nhất của nước này bị chính thức điều tra về tội tham nhũng. Chu Vĩnh Khang có thể là cái tên lớn nhất từng sa lưới, nhưng ông không phải là quan chức cấp cao duy nhất bị hạ bệ trong chiến dịch. Gần 40 cán bộ từ cấp Thứ trưởng trở lên đã bị điều tra từ khi ông Tập lên cầm quyền vào năm 2012.
Trong số các lao tù mà quan tham bị tống giam, nhà tù nổi tiếng nhất là Tần Thành, nằm ở quận Xương Bình, Bắc Kinh. Không giống như các nhà tù khác, Tần Thành không thuộc hệ thống tư pháp của Trung Quốc, mà do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Nhà tù này được xây dựng vào cuối những năm 1950, vốn được sử dụng là nhà lao chính để giam giữ quan chức cấp cao Trung Quốc, từ "bè lũ bốn tên" trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, cho đến sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và nay là những vị tham nhũng.
Hiện nay, nhiều chính trị gia ngã ngựa của Trung Quốc đang bị giam giữ tại Tần Thành, trong đó có Bạc Hy Lai và cánh tay phải đắc lực của ông, cựu cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh, Vương Lập Quân; cựu bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân; và cựu thứ trưởng Bộ Công an Lý Kỷ Chu. Đó là còn chưa kể đến những quan chức đang bị điều tra dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Khi công tác điều tra nội bộ Đảng kết thúc, các quan chức được chuyển giao cho cảnh sát, nhiều người trong số họ sẽ được đưa đến Tần Thành. Những người bị kết án tù có thể sẽ gọi nhà lao này là nhà trong suốt thời gian thụ án.
Theo những người đã từng bị giam giữ ở Tần Thành, nơi này khác xa hầu hết các nhà tù khác. Tờ South China Morning Post dẫn lời một cựu tù nhân có tên Bao Tong cho biết Tần Thành "giống như một khách sạn năm sao". Các phòng giam rộng khoảng 20 mét vuông, có cả nhà tắm riêng, giường thoải mái, ghế sofa và bàn. Có tin đồn rằng ngay cả đồ ăn cho tù nhân cũng được chuẩn bị bởi các đầu bếp hàng đầu. Ngoài ra, họ thường xuyên được phép nhận đồ ăn và quần áo do người thân gửi. Các cựu tù nhân cũng nhấn mạnh rằng những người bị giam giữ tại đây thường được thả sớm, với lý do "chữa bệnh".
Mặc dù được hưởng nhiều tiện nghi, các tù nhân ở Tần Thành không thể quên rằng thực chất, họ đang ngồi tù. Theo các cựu tù nhân, tất cả những người bị giam giữ đều được giám sát liên tục, một phần là do lo ngại chuyện tự tử. Một số báo đã đưa tin rằng các phòng giam được thiết kế đặc biệt để ngăn chặn tù nhân có ý định quyên sinh.
Giới chức cấp cao Trung Quốc từ lâu đã được hưởng nhiều đặc quyền, ngay cả khi ngồi tù. Nhưng hiện giờ, do ngày càng có nhiều quan chức bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng, Tần Thành dường như không còn chỗ trống. Theo báo giới đưa tin, để tăng số lượng các phòng giam tiện nghi, Tần Thành đã được mở rộng vào năm 2012, ngay trước khi chiến dịch chống tham nhũng chính thức khởi động. Cùng thời gian đó, chính phủ cũng xây dựng một "nhà tù hạng sang" khác, có tên gọi là Yến Thành ở tỉnh Hà Bắc. Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai được cho là bị giam cầm ở đây. Có tin đồn rằng Yến Thành thậm chí còn sang trọng hơn Tần Thành, khi có cả phòng cocktail và sân bóng rổ.
Khi Yến Thành được xây dựng, nhiều người suy đoán nó sẽ thay thế hoàn toàn Tần Thành, nhưng hiện giờ, dường như cả hai nhà tù cộng lại cũng không thể chứa nổi số quan chức bị kết án đang ngày càng gia tăng. Theo Boxun, Bắc Kinh có kế hoạch tiếp tục mở rộng Tần Thành do nhà tù này đã đầy và chiến dịch truy quét tham nhũng không hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước đó, Tần Thành cũng từng được mở rộng và cải tiến vào những năm 1960, khi số lượng "những người phản cách mạng" trong Cách mạng Văn hóa bị tống giam vượt quá sức chứa của nhà tù. Thông tấn nhà nước Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh quy mô rộng lớn của chiến dịch chống tham nhũng. Việc các "nhà tù hạng sang" sắp không còn chỗ trống chính là một minh chứng về sự thành công của chiến dịch.
Vũ Thảo (Theo The Diplomat)