Vương Kỳ Sơn sinh năm 1948, nguyên quán tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông từng là một nhà nghiên cứu lịch sử và làm việc tại bảo tàng Thiên An. Năm 2012, ông trở thành một trong bảy thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc.
Nhiều chính trị gia Bắc Kinh từng nói đùa ông được bổ nhiệm chức vụ này do ông không có con. Sự thật là nhiều con cháu của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã tích lũy được khối tài sản to lớn trong vài thập kỷ qua. Một lời giải thích nghiêm túc hơn là ông Vương không được coi là thành viên của một phe phái nào, nhưng lại có mối quan hệ thân thiết với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc trong những năm qua.
Bố vợ ông Vương là cố Phó thủ tướng Diêu Y Lâm, một trong những người từng ra lệnh cho xe tăng tiến vào Thiên An Môn năm 1989. Quyền thế của ông Lâm có tác động quan trọng đến con đường thăng tiến của con rể mình. Tuy nhiên, ông Vương, bằng chính năng lực và đức tính thẳng thắn, đã gây ấn tượng với các lãnh đạo cấp cao có tư tưởng đổi mới của Trung Quốc trong những năm 1990. Tinh thần dám nghĩ dám nói trong một hệ thống ưa chuộng nịnh bợ mang lại cho ông danh tiếng là "trưởng đội cứu hỏa" của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Vào giữa những năm 1990, khi đứng đầu Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, ông thiết lập ngân hàng đầu tư thực sự đầu tiên của đất nước bằng việc liên doanh với Morgan Stanley. Cuối thập niên 1990, ông giải quyết vụ phá sản 4 tỷ USD của doanh nghiệp nhà nước International Trust and Investment Corp tại Quảng Đông khi tỉnh này đang đối mặt với những món nợ khổng lồ.
Năm 2003, khi đại dịch SARS uy hiếp Bắc Kinh, ông Vương đảm nhận chức thị trưởng thành phố để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông cũng một lần nữa đứng ra giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra vào năm 2008.
Ông Vương là người đóng vai trò then chốt của chính phủ Trung Quốc trong các cuộc đàm phán khó khăn với châu Âu và Mỹ. Chương trình truyền hình yêu thích của ông là một bộ phim xoay quanh những âm mưu chính trị do Mỹ sản xuất.
Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người từng làm việc với ông Vương trong cuộc khủng hoảng tài chính và vụ phá sản của Quảng Đông, mô tả ông là "một nhà sử học đầy đam mê, thích tranh luận triết học và có khiếu hài hước đặc biệt".
Những đặc điểm này khiến ông Vương hai năm trước đề nghị tất cả đồng nghiệp cấp cao trong đảng đọc tác phẩm kinh điển Chế độ Ancien và cuộc Cách mạng Pháp của Alexis de Tocqueville. Bạn bè cũ của ông Vương cho biết những cuốn sách ông chọn đọc nhằm gửi đi một thông điệp. Đó là, những nỗ lực cải cách có thể dẫn đến hậu quả ngoài ý muốn, nhưng chống lại cải cách có thể khiến một số quan chức ngã ngựa.
Quyết đoán
Khi ông Vương Kỳ Sơn giải quyết vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc vào năm 1998, một người bạn cũ đã đến thăm và cảnh báo ông. "Tôi cố gắng giải thích cho ông ấy những chủ ngân hàng này là những người quyền thế, và có mối quan hệ thân thiết với các lãnh đạo chính trị cấp cao. Tôi nói với ông ấy tôi rất lo lắng về phản ứng của họ nếu họ phải chịu thua lỗ nặng nề", Financial Times dẫn lời người bạn và đồng nghiệp cũ của ông Vương, Hoàng Giang Nam, cho biết. “Ông ấy bảo tôi dừng nói và khẳng định sẽ kiên trì. Ông thực sự là một người rất cương nghị và quyết đoán", ông Nam nói thêm.
Một thập kỷ rưỡi sau đó, quan chức thẳng thắn này cần vận dụng tất cả quyết tâm khi phải đứng trước những đối thủ còn nguy hiểm hơn, với tư cách là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI). Cơ quan này gần đây chính thức điều tra cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, quan chức cấp cao nhất bị nghi ngờ tham nhũng kể từ khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.
Khi ông Vương được bổ nhiệm là Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương vào cuối năm 2012, nhiều người cảm thấy thất vọng, bởi họ cho rằng cái ghế chống tham nhũng sẽ làm phí năng lực giải quyết các khủng hoảng tài chính xuất sắc của ông.
Về chức vị, ông Vương chỉ đứng thứ 6 trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 người bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường. Nhưng sau 18 tháng chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng với thành tích “quăng lưới” hơn 250.000 quan tham, trong đó có 39 quan chức từ cấp thứ trưởng trở lên, quyền lực của ông Vương hiện nay được cho là chỉ đứng thứ hai sau Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chống tham nhũng là chính sách chính của CCDI. Thời gian triển khai và mức độ quyết liệt của chiến dịch không chỉ làm các tham quan mà còn làm nhiều người khác ngạc nhiên. Mục tiêu thanh trừng được xác định trên phạm vi cả nước và ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tài chính đến sản xuất thực phẩm. “Lãnh địa” cũ của ông Chu gồm mạng lưới an ninh quốc gia, tỉnh Tứ Xuyên và các ngành năng lượng, được đặc biệt chú trọng.
Tác động từ chiến dịch có thể thấy rõ ràng trong hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nhiều công ty quốc tế cũng bị ảnh hưởng. Tiêu biểu là công ty dược phẩm GlaxoSmithKline bị cáo buộc hối lộ cảnh sát. Doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ, trong đó có hãng đồng hồ Thụy Sĩ, LVMH, Rémy Cointreau và Diageo ngày càng sụt giảm do quan chức ngày càng trở nên e dè trước việc nhận quà tặng và ăn hối lộ.
Theo báo giới Trung Quốc, nhiều giám đốc điều hành cấp cao tại China National Petroleum Co, công ty mẹ của PetroChina, đã bị bắt. Hiện nay, công ty phải thiết lập một hệ thống báo cáo, trong đó các giám đốc hàng ngày phải liên lạc với trưởng bộ phận. Nếu mất liên lạc với giám đốc, công ty sẽ mặc định những người này là đã bị CCDI tạm giữ. Công ty sẽ thay thế họ bằng người kế nhiệm được chỉ định từ trước trong ngày hôm sau.
Sự sắp xếp này phản ánh quyền lực mạnh mẽ của CCDI, cơ quan ngoài pháp chế bí mật không có quyền chính thức về việc bắt giam hoặc định tội nhưng có thể điều tra và tạm giữ vô thời hạn bất kỳ ai trong số 87 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thực tế, CCDI thường xuyên bị cáo buộc về cách làm việc quá nghiêm khắc, đặc biệt là đối với cán bộ cấp thấp. Kể từ đầu năm 2013, gần 70 cán bộ đã tự tử hoặc qua đời khi đang bị tạm giữ trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, khi ông Vương chưa lên nắm quyền, nạn tham nhũng lại nở rộ tại chính CCDI. Cơ quan này từng được coi là một công cụ chính trị để các quan chức hạ gục đối thủ. Ngay cả bản thân ông Vương cũng ám chỉ cần phải có một hệ thống được thể chế hóa mạnh mẽ hơn để giải quyết nạn tham nhũng.
Ttrong một bài phát biểu hồi cuối năm ngoái về những nỗ lực chống tham nhũng của CCDI dưới sự giám sát của mình, ông Vương vạch rõ con đường: "Nhiệm vụ hiện nay của chúng tôi là giảm bớt các hiện tượng tham nhũng, để sau đó có thời gian giải quyết tận gốc vấn đề".
Vũ Thảo (Theo Financial Times)