Ông Phan Văn Đương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương. |
- Từng là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, theo ông, xung quanh những quyết định về việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu công nghiệp Sóng Thần có gì sai?
- Trước đây, tôi chỉ làm lãnh đạo chung. Còn bây giờ, tôi chưa thể đưa ra nhận xét hay đánh giá gì, còn phải đợi kết quả từ đoàn kiểm tra của tỉnh về vụ việc này. Theo tôi, quy trình và cách làm ở đây có thể không thật đúng, nhưng cơ bản là việc sử dụng đất để làm khu công nghiệp và nguồn thu về đất nộp ngân sách thì không trật đâu! Chúng tôi đã đề nghị một đoàn ở trung ương có đủ chức năng và tư cách xuống kiểm tra theo nội dung mà báo chí đã đăng xem Bình Dương làm như vừa qua là đúng hay sai.
- Những cái không thật đúng đó là gì?
- Hồi đó, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc giao đất, cho thuê đất, chỉ biết rằng, khái niệm ''giao đất'' để làm khu công nghiệp Sóng Thần phải trả tiền cho đơn vị đang quản lý (Quân đoàn 4) và nộp một phần cho ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, 65 tỷ đồng tiền thuê đất đã phải chia làm hai, một khoản hơn 40 tỷ đồng đền bù cho Quân đoàn 4 để di dời cơ sở vật chất, còn 21 tỷ đồng nộp ngân sách.
- Nhưng khi Thủ tướng chưa có quyết định phê duyệt phương án đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo tỉnh lại ''vượt quyền’'?
- So với văn bản bây giờ thì cảm thấy làm như thế là trật. Nhưng hồi đó, khi trình mô hình xây dựng khu công nghiệp, Chính phủ đã chấp thuận và đất ở đây đã được quy hoạch làm khu công nghiệp, mặc dù Thủ tướng chưa ra văn bản. Tỉnh linh hoạt làm theo kiểu ''xin phép quá 15 ngày chưa được trả lời thì địa phương vận dụng làm trước''. Sau này, khi có quyết định chính thức, tỉnh đã có những thay đổi phù hợp.
- Công ty Phi Long có thật sự góp vốn đầu tư xây dựng khu công nghiệp hay chỉ là một cách thức rút tiền từ khu công nghiệp này?
- Phải chờ kết quả kiểm tra xem có góp hay không góp vốn. Nhưng theo tôi biết, lúc đó, khi xây dựng khu công nghiệp Sóng Thần, ngân sách trung ương lẫn địa phương không bỏ ra đồng nào, lại chưa cho phép nước ngoài đầu tư, trong khi số tiền để đầu tư vào khu công nghiệp rất lớn, nào là tiền đền bù cho Quân đoàn 4, nào là tiền xây dựng cơ sở hạ tầng… cho nên, phải huy động từ các thành phần khác.
- Nhưng dư luận đang xôn xao về vụ việc này và Tổng cục Cảnh sát vừa báo cáo lên trung ương những vấn đề liên quan đến ông Huỳnh Phi Dũng. Ý kiến của đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương như thế nào?
- Trước đây, một số đoàn kiểm tra, thanh tra của tỉnh và trung ương đều kết luận, không có sai sót lớn hoặc thất thoát tài chính gì ở đây, nhưng báo chí vừa nêu lại vấn đề này. Chúng tôi hiện chưa thể đánh giá đúng cái gì, sai cái gì. Do vậy, khi phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, tôi đã đề nghị Chính phủ lập một đoàn thanh tra liên ngành đủ thẩm quyền thanh tra, để đưa ra kết luận. Sẽ không phù hợp nếu đối chiếu với văn bản ở thời điểm đầu tư khu công nghiệp với những quy định hiện hành. Tất nhiên, dù vận dụng văn bản ở thời điểm nào đi nữa, cũng phải bảo đảm không thất thoát tiền nhà nước.
(Theo Tuổi Trẻ)