Bộ Y tế cho rằng thực hiện giám sát đậu mùa khỉ tại cửa khẩu với tinh thần "sớm một bước, cao hơn một mức", trong bối cảnh bệnh có nguy cơ cao xâm nhập Việt Nam do một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... đã ghi nhận ca nhiễm.
Theo đó, hành khách từ quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện ca nghi nhiễm và cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán.
Hiện Bộ Y tế chưa hướng dẫn chi tiết việc triển khai giám sát y tế người nhập cảnh từ các nước có đậu mùa khỉ và thời điểm bắt đầu áp dụng. Việt Nam đến nay chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào.
Hơn hai năm trước, khi những ca Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại Trung Quốc, Bộ Y tế đánh giá nguy cơ dịch xâm nhập Việt Nam rất cao nên đã thiết lập hệ thống giám sát dịch ở các cửa khẩu. Hành khách nhập cảnh qua cửa khẩu phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, giám sát các yếu tố dịch tễ. Hệ thống này đã giúp phát hiện sớm ca nhiễm, điều tra, truy vết dịch tễ không để Covid xâm nhập và lây lan ra cộng đồng. Tháng 3 năm nay, khi cuộc sống dần thích ứng với Covid-19, các hoạt động giao thương và du lịch mở cửa, hệ thống giám sát dịch ở cửa khẩu được nới lỏng và tiến tới gỡ bỏ, đến cuối tháng 4 Việt Nam dừng khai báo y tế nhập cảnh tại cửa khẩu và tháng 5 dừng khai báo y tế nội địa.
Lần này, bệnh đậu mùa khỉ cũng giống như Covid-19 trước đây, đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là trường hợp khẩn cấp y tế toàn cầu. Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng cần thiết lập văn phòng khẩn cấp đáp ứng nhanh bệnh đậu mùa khỉ và kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch cửa khẩu.
Trước đó, TP HCM cũng đề xuất triển khai khai báo y tế tại cửa khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cuối tuần trước cho rằng WHO đánh giá mức độ dịch toàn cầu đang ở mức trung bình, còn Việt Nam ở mức thấp đến trung bình. Việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc, do đó Cục Y tế Dự phòng xin ý kiến Hội đồng khoa học để xem xét triển khai.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thì cho rằng các cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, không phải là ở sân bay, giống như diễn biến Covid-19 trước đây. Hai nhóm người nguy cơ cao nhất là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân và nhân viên phòng xét nghiệm làm việc với các mẫu bệnh phẩm được gửi đến để chẩn đoán.
Từ kinh nghiệm ứng phó Covid-19, ngoài việc kiểm tra y tế đậu mùa khỉ tại cửa khẩu, Bộ Y tế cũng yêu cầu giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng. "Đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh", đại diện Bộ Y tế cho biết.
Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó với ba tình huống đậu mùa khỉ gồm chưa có bệnh nhân, bệnh xâm nhập và dịch lan rộng, trước bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh trên toàn thế giới.
Từ tháng 5 đến nay, bệnh đậu mùa khỉ tăng liên tục cả về số ca lẫn số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Đến ngày 30/7, WHO ghi nhận trên 21.000 ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 7 trường hợp tử vong (gồm 2 trường hợp có kèm bệnh nền tử vong tại Brazil và Tây Ban Nha).
Biểu hiện bệnh thường gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.