Chiều 26/7, Tiến sỹ Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhận định nước ta nằm trong Tây Thái Bình Dương - khu vực hiện có nguy cơ dịch đậu mùa khỉ lây lan từ mức thấp đến trung bình. Thang điểm trên được đánh giá dựa ba tiêu chí: độ trầm trọng của bệnh, nguy cơ xâm nhập và lây lan.
Đến ngày 21/7, Tây Thái Bình Dương ghi nhận 53 ca đậu mùa khỉ tại 6 quốc gia, nhưng với tình hình dịch leo thang trên toàn cầu như hiện nay, WHO cho rằng "nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể".
Theo bà Escalante, số ca nhiễm nhìn thấy trên báo cáo chưa phản ánh đúng thực tế, quy mô đậu mùa khỉ có thể lớn hơn so với ghi nhận chính thức. Đáng chú ý, nhiều ca bệnh không có tiền sử di chuyển đến nơi dịch bùng phát. Ngoài ra, các phương thức virus lây lan và bùng phát hiện vẫn chưa được hiểu đầy đủ, còn nhiều điều cần nghiên cứu.
Do đó, WHO khuyến nghị Chính phủ và các cơ quan y tế cần hành động "ngay tức khắc" để chuẩn bị cho sự xuất hiện ca bệnh và giảm rủi ro lây lan.
Bác sĩ Đỗ Hồng Hiên, chuyên gia dịch tễ học WHO, cho rằng một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam khi ứng phó đậu mùa khỉ là quốc gia vừa trải qua hơn hai năm Covid khốc liệt, đồng thời hiện phải xử lý cùng lúc dịch sốt xuất huyết, cúm mùa. Trong khi đó, hệ thống y tế dự phòng bộc lộ nhiều hạn chế, nhân viên y tế kiệt quệ, nhiều y bác sĩ rời bỏ công việc, thiếu thuốc men, vật tư...
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ, thuốc kháng virus và vaccine đặc trị đang được nghiên cứu, chưa sản xuất đại trà. Ngay ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, vaccine và thuốc điều trị cũng khan hiếm; năng lực xét nghiệm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Đặc biệt, theo bà Hiên, trong đợt bùng phát đậu mùa khỉ bất thường hiện nay, nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng không điển hình, khiến việc nhận biết triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán khá khó khăn.
Để ứng phó đậu mùa khỉ hiệu quả, WHO khuyến nghị Việt Nam kích hoạt hoặc thiết lập ngay các cơ chế phối hợp đa ngành. Tăng cường các hệ thống giám sát và theo dõi tiếp xúc hiện có, nâng cao năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, xây dựng phác đồ chăm sóc điều trị. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên y tế đảm bảo sớm phát hiện ca bệnh, chăm sóc, cách ly người nhiễm...
WHO đang đàm phán với các đơn vị để đưa sinh phẩm xét nghiệm, thuốc kháng virus và vaccine đặc trị về Việt Nam, song chưa rõ thời gian hoàn thành.
Đối với người dân, WHO khuyến cáo bất kỳ ai tiếp xúc thân thể gần gũi với người bệnh đều có nguy cơ nhiễm virus. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một tỷ lệ cao các trường hợp nam quan hệ tình dục đồng giới mắc đậu mùa khỉ, vì vậy cơ quan khuyến khích nhóm này thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm cách ly nếu có các triệu chứng và tìm kiếm lời khuyên y tế.
Người dân cảnh giác khi phát hiện các triệu chứng liên quan bệnh đậu mùa khỉ như nổi mụn nước hoặc mụn mủ bất thường, thường đi kèm sốt, nổi hạch. Một người xuất hiện các triệu chứng có thể là bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm, hãy liên hệ cán bộ y tế.
Người dân đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh cần tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng), không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Mọi người thực hành ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần.
Đậu mùa khỉ hiện lây nhiễm cho hơn 70 nước, thế giới ghi nhận hơn 17.000 ca bệnh, 5 ca tử vong. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Thu Phương