Vấn đề an ninh mạng còn xuất hiện tại nhiều bang khác của Mỹ, như California và Indiana, nơi một nhóm được cho là liên quan đến Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xâm nhập vào mạng cục bộ và tấn công một số hệ thống bầu cử, nhưng chưa rõ lý do.
Bang Louisiana thậm chí điều lực lượng Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhằm vào những văn phòng chính quyền nhỏ. Tối 27/10, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng trở thành mục tiêu, khi một thông điệp đe dọa xuất hiện trên trang web, cảnh báo sẽ có nhiều hành động hơn trong tương lai.
Không có cuộc tấn công nào gây tổn hại lớn. Tuy nhiên, từ Bộ Tư lệnh Không gian mạng Mỹ đến giới quan sát, các chuyên gia đều bày to lo ngại về tình trạng "xâm nhập nhận thức", nghĩa là những vụ tấn công nhỏ có thể bị phóng đại và thu thập làm bằng chứng cho việc toàn bộ quá trình bầu cử là "gian lận", như cáo buộc của Tổng thống Trump.
Christopher Krebs, quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hệ thống bầu cử, cũng nhiều lần đề cập đến cụm từ "xâm nhập nhận thức" khi nói về các mối đe dọa lớn với bầu cử năm nay. Mối bận tâm của ông không phải cuộc tấn công trên diện rộng, mà là một loạt sự cố nhỏ, có khả năng tập trung ở các bang chiến trường, gây ảnh hưởng lên tâm lý hơn là thực tế.
Theo bình luận viên David Sanger và Nicole Perlroth của NY Times, các "trận chiến" trên không gian mạng ở hậu trường là điểm đáng lưu ý của cuộc bầu cử năm nay, gây ra nhiều mối đe dọa tiềm tàng, với một trong những mục tiêu gây lo ngại hàng đầu là các máy bỏ phiếu.
Giới chức Mỹ đang cố trấn an cử tri rằng các máy bỏ phiếu rất khó bị xâm nhập trên quy mô lớn, bởi chúng gần như ngoại tuyến hoàn toàn. Các bang và hạt sử dụng hệ thống riêng của họ, nên một cuộc tấn công đơn độc gần như không thể tác động đến tất cả, dựa trên mức độ rộng rãi và sự đa dạng.
Mặc dù vậy, nguy cơ rủi ro vẫn không thể bị loại bỏ. J. Alex Halderman, giáo sư tại Đại học Michigan, đã tiến hành thí nghiệm và tìm ra những cách tạo "các cuộc tấn công đủ khả năng truyền từ máy này sang máy khác, tương tự virus trên máy tính, và âm thầm thay đổi kết quả bầu cử".
Một số người khác chỉ ra rằng không nhất thiết phải tấn công mạng ở tất cả các bang để phá hoại bầu cử. Trong một cuộc chạy đua bám đuổi sít sao, tin tặc có thể nhắm tới Atlanta, Philadelphia, Detroit hay Milwaukee, hoặc trì hoãn báo cáo kết quả ở một bang chiến trường, các bình luận viên của NY Times nhận định.
Harri Hursti, nhà tư vấn an ninh bầu cử, còn lo ngại viễn cảnh các máy quét phiếu có thể bị lập trình lại và đọc phiếu bầu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden thành phiếu cho Tổng thống Trump, cũng như ngược lại. "Chỉ một lỗi duy nhất cũng có nguy cơ gây tổn hại hệ thống bầu cử tại nhiều hạt và bang", Hursti cảnh báo.
Những vụ tấn công mạng liên tiếp, cùng mối lo ngại khả năng nước ngoài can thiệp bầu cử, buộc các bang phải áp dụng loạt biện pháp bảo vệ, bao gồm in bản cứng sao lưu dữ liệu đăng ký cử tri, đồng thời dần ngừng sử dụng các máy bỏ phiếu không để lại bản sao lưu trên giấy.
Krebs, quan chức Bộ An ninh Nội địa, cho biết 92% tổng số phiếu bầu sẽ được "liên kết" với dữ liệu trên giấy vào tuần sau, tăng đáng kể so với 4 năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ phiếu bằng máy năm nay dự kiến giảm do số lượng bầu cử qua thư tăng vọt.
Vì vậy, Cơ quan Bảo vệ An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đang tập trung vào nguy cơ tấn công hệ thống đăng ký cử tri, xác minh và báo cáo bỏ phiếu, cùng với mạng lưới máy tính của giới chức các bang, hoặc mạng lưới điện ở điểm bỏ phiếu.
Những cuộc tấn công kiểu này sẽ không làm thay đổi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, nếu được thực hiện đủ khéo léo, đặc biệt tại các bang chiến trường hoặc địa phương chủ chốt thuộc những bang đó, chúng có thể được lợi dụng để gieo rắc hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc bầu cử.
Một số quan chức đặt câu hỏi liệu đây có phải động cơ đằng sau một số vụ can thiệp hồi năm 2016, được cho là liên quan đến Nga, hay không. Khi đó, tin tặc đã quét cơ sở dữ liệu đăng ký ở toàn bộ 50 bang, "xuyên thủng" các hệ thống ở Arizona và Florida, lan truyền việc đánh cắp dữ liệu đăng ký cử tri tại Illinois, nhưng cuối cùng không làm gì với chúng.
Nhiều lỗ hổng trong số đó đã được xử lý nhờ một chiến dịch hoạt động tích cực của Bộ An ninh Nội địa và chính quyền các bang, nhưng chưa "vá" được tất cả. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis phát hiện ra điều này khi ông đi bỏ phiếu sớm ở thành phố Tallahassee. Ai đó đã đổi địa điểm bỏ phiếu của ông thành Tây Palm Beach.
Đó là lý do nhiều người bày tỏ lo ngại về một nhóm tin tặc Nga có tên Energetic Bear (Gấu Nhiệt huyết), bị nghi là đơn vị thuộc FSB. Suốt nhiều năm, nhóm này đã chọc thủng lưới điện Mỹ, các nhà máy xử lý nước, một nhà máy điện hạt nhân ở bang Kansas, và gần đây là hệ thống web tại Sân bay Quốc tế San Francisco. Giới chức tình báo tiết lộ thêm rằng họ từng xâm nhập thành công hai máy chủ ở California và Indiana.
Một số quan chức cho biết mối đe dọa cận kề nhất là những vụ tấn công bằng mã độc, có khả năng đóng băng một số bộ phận của hệ thống bỏ phiếu, trì hoãn kết quả. Trong tháng qua, Bộ Tư lệnh Không gian mạng và nhóm công ty do Microsoft dẫn đầu đã tiến hành kiểm soát những máy chủ khắp thế giới có liên kết với TrickBot, bộ công cụ được sử dụng trong một số hoạt động phát tán mã độc phức tạp nhất.
"Việc này nhằm gây gián đoạn các hoạt động của TrickBot trong khoảng thời gian cao điểm của bầu cử", Tom Burt, giám đốc phụ trách hoạt động này của Microsoft, giải thích. Tuy nhiên, công ty an ninh mạng Mandiant tiết lộ có bằng chứng cho thấy các tin tặc đứng sau TrickBot đã chuyển sang những công cụ mới.
Giới nghiên cứu còn phát hiện chính nhóm tin tặc này đã chỉ đạo một loạt cuộc tấn công bằng mã độc nhắm tới các bệnh viện Mỹ, trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát ở nước này. "Họ có thể sử dụng mã độc để gây hại cho bất cứ mục tiêu nào, dù là cuộc bầu cử hay các bệnh viện", Kimberly Goody, nhà phân tích tội phạm mạng của Mandiant, cho biết.
Vụ tấn công bằng mã độc tại thành phố Gainesville, bang Georgia, tuần trước khiến hệ thống xác minh chữ ký của cử tri bị khóa, buộc đội ngũ nhân viên tại điểm bầu cử phải so các chữ ký bằng mắt một cách thủ công. Tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình bầu cử, sự việc cho thấy điểm yếu ở Georgia, một bang chiến trường quan trọng.
Tổng thống Trump không ngừng lan truyền quan điểm rằng hình thức bỏ phiếu qua thư sẽ dẫn đến gian lận, chỉ ra những trục trặc nhỏ trong quá trình phân phối và gửi lại phiếu bầu để chứng minh mức độ thiếu tin cậy, bất chấp những nỗ lực bảo vệ cuộc bầu cử của các quan chức.
"Họ đã cố gắng thực hiện các biện pháp bảo đảm một cách cẩn thận. Tuy nhiên, phép thử thực sự đang ở phía trước", Thượng nghị sĩ độc lập tại bang Maine Angus King, cho biết.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)