Dạy con văn hóa không làm phiền người khác rõ ràng là không dễ khi tất cả chúng ta đều đang có cái gì đó làm phiền người xung quanh; khi chúng ta luôn sống dựa vào mọi người, cộng đồng; khi chính chúng ta còn chưa ứng xử phù hợp. Tuy nhiên, nếu chung nhau làm, lũ trẻ sẽ khá hơn thế hệ đi trước.
Dưới đây là một số nguyên tắc các cha mẹ cần lưu ý khi dạy con thành những người biết ứng xử văn minh lịch sự:
Gương mẫu
Trong nhiều trường hợp, các cha mẹ nên lưu ý những hành vi có thể gây ảnh hưởng hoặc làm phiền người khác, như nói quá to trong một tập thể, quán ăn, trong đám đông..., vứt rác lung tung, chen lấn xô đẩy, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… Khi chúng ta ngưng làm những hành vi trên, đám trẻ sẽ vô cùng hài lòng vì nghĩ rằng: Thiên hạ có sai gì thì sai, nhưng người mà chúng yêu thương và kính trọng nhất là cha mẹ chúng sẽ không bao giờ làm những việc xấu, gây ảnh hưởng đến người khác. Chính chúng cũng sẽ thay đổi thái độ ngay để phù hợp với gương “người tốt, việc tốt” mà chúng được học tập.
Đề nghị con quan sát những hành vi xấu ngoài phố
Khi con quan sát, cha mẹ nên phân tích cho con thấy những hành vi đó làm phiền những người xung quanh thế nào và người bị làm phiền sẽ cảm thấy bực bội đến mức nào. Những hành vi làm phiền nơi công cộng thường là nguyên nhân gây xung đột, vì thế, việc giảm thiểu các hành vi đó sẽ giúp giảm thiểu các xung đột dẫn đến những vụ xô xát không đáng có. Khi con đã có những kết luận riêng của mình, con sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi cho khỏi làm phiền đến người khác.
Luôn nhắc nhở khi con đang ở nhà
Khi con mè nheo cái gì đó, nếu cha mẹ đang bận, cha mẹ có thể nói với con một câu nói nhỏ: “Theo cha/mẹ, con đang làm phiền đến cha/mẹ đấy”. Lời nhắc đó diễn ra thường xuyên thì lũ trẻ cũng sẽ hiểu được thông điệp không làm phiền người khác và sẽ điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
Khi lũ trẻ có mâu thuẫn, cha mẹ nên để chúng tự giải quyết mâu thuẫn của mình, tuyệt đối không can thiệp
Sau đó một thời gian (có thể một vài ngày), nghĩa là khi mâu thuẫn đó đã giải quyết xong, cha mẹ sẽ phân tích rõ ràng xem ai làm phiền ai và làm phiền thế nào. Lúc đó, đám trẻ sẽ nhận thức rõ mình đã làm hành vi gì và tại sao người kia lại tức giận. Cách thức đó giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn lần sau tốt hơn.
Xin lỗi con
Các cha mẹ nên tự tập cho mình thói quen xin lỗi bất kể ai, bất kể lúc nào khi ta làm phiền ai đó, như đi ngang qua họ, buộc phải làm phiền… Con sẽ nhìn theo và học hỏi cha mẹ rất nhanh. Dĩ nhiên, con cũng không ngoại lệ. Cha mẹ nên tập thói quen xin lỗi con nhiều hơn. Đơn giản là:
- Mẹ xin lỗi, mẹ có thể đi qua trước mặt con được không? (Thay vì “Tránh ra cho mẹ đi nào”).
- Bố xin lỗi, bố có thể xem sách vở con được không? (Thay vì quát “Đưa vở ở lớp ra đây!”).
Dạy con xin lỗi
Cha mẹ có thể nói với con: Khi con va vào ai đó hoặc buộc phải bước qua trước mặt ai để đi, hoặc… buộc phải làm gì đó ảnh hưởng đến người ta thì con cần có câu xin lỗi. Lời xin lỗi đó vừa lịch sự vừa đảm bảo mình có thể “làm phiền” trong trường hợp bất khả kháng. Như vậy, việc hình thành thói quen xin lỗi cũng sẽ diễn ra tự nhiên hơn.
Dạy con không làm phiền người khác là tạo lập cho con thói quen cư xử văn hóa và lịch sự. Điều này thật sự hữu ích cho trẻ trong hiện tại và tương lai.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội