Dưới đây là những bước mà nếu cha mẹ tiến hành đầy đủ, trẻ sẽ ngoan và có ý thức đạo đức tốt hơn.
1. Giữ đạo đức chính mình
Cha mẹ đừng quên mình chính là tấm gương để con soi vào đó học hỏi hàng ngày. Các cha mẹ đừng quá bức xúc về những bất công mà mình phải gánh chịu. Trên cuộc đời này, công bằng là thứ hiếm gặp nhất trong những thứ chúng ta mong đợi. Tức tối và trả thù không phải là một biện pháp đúng đắn.
Mỗi khi chúng ta làm việc gì, đừng nghĩ đến lý luận đúng sai, hãy luôn là người đúng dù chịu thiệt. Có thể hành vi đúng đó sẽ khiến chúng ta thiệt thòi, nhưng thứ mà ta nhận được chính là con trẻ sẽ soi vào đó để học hỏi.
2. Luôn chỉ ra cho con thấy những hành vi nào là đúng đắn
Con không chỉ ở với ta, con còn ở ngoài xã hội. Nếu con học các thói hư tật xấu ở ngoài thì chúng ta sẽ rất mệt mỏi. Vì thế, luôn cho con biết ranh giới chính xác mà con không thể vượt qua, để con có thể giữ mình trong khuôn khổ là những điều mà cha mẹ cần phải chú tâm.
3. Cho con đọc sách
Giảng đạo đức là việc cực kỳ khó. Đề cập đến đạo đức bằng sách vở dễ hơn nhiều là ngồi giảng cho con nghe. Những câu chuyện hạt giống tâm hồn có giá trị nhiều hơn những giáo huấn của cha mẹ. Kể cả người lớn, rất nhiều người bị nghe giáo huấn vẫn ức chế lắm. Tuy nhiên, đọc sách thì lại khác, câu chữ ngấm vào người mình như chất men kỳ diệu. Nó sẽ làm mình thay đổi rất nhanh. Hạt giống tâm hồn là dòng sách như vậy. Hãy mua về cho con và rủ con cùng đọc.
4. Xây dựng những nguyên tắc sống rõ ràng trong gia đình
Người xưa gọi đó là gia quy. Mỗi một gia đình nên có một gia quy. Đó là quy định riêng dành cho gia đình. Mỗi điều khoản của gia quy cần được xây dựng trên sự thỏa thuận của từng thành viên. Để con tham gia ý kiến xây dựng gia quy sẽ giúp con giữ gìn gia quy tốt nhất. Nâng tầm con lên, trao quyền cho con, bạn sẽ thấy con sẽ trở thành một tấm gương giữ gìn đạo đức tốt nhất, nghiêm túc nhất.
5. Hãy nhận lỗi và chịu hình phạt khi vi phạm gia quy
Đừng bao giờ lấy quyền làm bố mẹ ra để trốn tránh hình phạt và bao biện cho tội lỗi của chính mình. Điều đó có thể xoa dịu được cái tôi của bạn trong phút chốc nhưng sẽ làm con bạn trở nên thiếu tin tưởng và kính trọng bố mẹ. Đứa trẻ chỉ kính trọng những người dũng cảm. Hãy dũng cảm nhận lỗi nếu mình sai, hãy sẵn sàng chịu phạt và cho con được phép thi hành hình phạt với mình. Bạn sẽ thấy lũ trẻ bao dung hơn chúng ta rất nhiều.
6. Hãy giúp con nhận ra sai lầm
Con chắc chắn sẽ có lúc sai. Bọn trẻ sẽ tìm cách trốn tránh hình phạt và trốn tránh thừa nhận sai lầm. Thuyết phục con bằng mọi cách, đừng đánh mắng. Con chỉ tốt hơn khi chính con thừa nhận sai lầm và chấp nhận hình phạt. Hình phạt trong gia quy tốt nhất nên là những hình phạt về vật chất, ví dụ ngồi ghế suy nghĩ về hành vi của mình; bị tước đoạt một vật mà mình yêu quý hoặc bị bắt phải làm một điều mà mình ghét. Nếu con biết sai và tự động nhận hình phạt, bạn sẽ thấy con ngoan hơn nhiều.
TS Vũ Thu Hương
Giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội