Trẻ mầm non chưa biết cái gì là đúng, cái gì là sai
Có lẽ, điều chi phối các cha mẹ khi dạy con là suy nghĩ: Con sẽ phải phục tùng và thực thi nghiêm chỉnh những gì mình dạy vì điều mình dạy là đúng đắn. Tuy nhiên, có lẽ các cha mẹ đã quên vài điều sau:
- Trẻ mầm non chưa hề biết cái gì gọi là đúng đắn và cái gì gọi là sai trái. Vì thế, điều quan trọng đầu tiên các cha mẹ cần làm là xác định rõ cho con đâu là điều đúng, đâu là điều sai.
- Việc phục tùng mệnh lệnh không phải là tiền đề cho một phản xạ có điều kiện được hình thành. Thói quen tốt không bao giờ đến từ việc thực thi nghiêm cẩn mệnh lệnh của người khác.
- Dù chưa đủ trình độ phân tích để nhận biết mọi thứ, nhưng khả năng cảm nhận của trẻ lại đi trước mọi thứ thuộc về ý thức. Nếu trẻ cảm nhận được điều gì, điều đó sẽ in vào óc trẻ, trong khi mọi lời giáo huấn tuột hết ra ngoài.
Nhắc con chào không phải là cách hữu hiệu
Khi bị nhắc chào, bọn trẻ không cảm thấy cái điều người khác nhận thức là tốt kia sẽ là điều chúng phải làm và nên làm. Bọn trẻ cho rằng, điều chúng phải làm là bắt chước y chang những gì chúng nhìn thấy từ người gần gũi nhất với chúng. Chính vì vậy, chúng ta thường thấy con cái có những cá tính giống cha mẹ chúng.
Ví dụ, một cặp vợ chồng luôn ngăn cấm con cái nói bậy nhưng lại dễ dàng chửi nhau bằng những từ ngữ thô tục thì đám trẻ sẽ hiểu rằng không được nói bậy trước mặt cha mẹ. Tuy nhiên, sau lưng các bậc sinh thành, chúng sẽ phun mọi câu tục tĩu vào người khác.
Nếu cha mẹ dạy con chào bằng mọi câu nhắc nhở, đám trẻ sẽ cảm thấy việc nhắc người khác chào là điều thú vị nên làm, chúng không nghĩ rằng mình cần phải chào. Nếu bị nhắc nhở quá nhiều, bọn trẻ con sẽ cảm thấy bị làm phiền, chúng cảm thấy ghét phải gặp mặt mọi người, vì sẽ phải làm cái điều rất đáng bực bội là chào.
Khi gặp mặt một người bất kỳ, con người luôn có phản xạ phòng ngự. Đó là phản xạ có điều kiện của mọi loài vật. Chỉ đến khi việc gặp gỡ đó báo tín hiệu là an toàn vào não trẻ, chúng mới có cảm giác thoải mái và cởi mở. Vì thế, những bé thường xuyên bị bố mẹ nhắc chào sẽ có đôi chút thiếu tự tin, ngại giao tiếp, ngại phải ra ngoài gặp gỡ mọi người, xu hướng khép mình lại như chui vào vỏ ốc.
Ngoài ra, trẻ sẽ thấy áp lực nặng nề khi nhận thức rõ được rằng chúng sẽ phải làm một việc là chào hỏi ngay khi gặp mặt trước tất cả mọi người. Với cái lý do này, bọn trẻ cảm thấy phiền nhiễu, chúng cảm thấy bất công khi người lớn chờ đợi chúng chào. Nếu không chào, chúng lại bị coi như một thứ tội phạm đáng chê trách.
Cha mẹ chúng cũng vậy, khi đi đâu về nhà, họ đợi con chào mà không có phản xạ chào con. Lúc này đứa trẻ sẽ nhận ra sự thiếu công bằng và sẽ vô cùng khó chịu. Nếu bị quát mắng quá, chúng sẽ chào với thái độ cực kì lạnh nhạt, thậm chí là hỗn láo.
Khi đám trẻ đã lớn, việc chào hỏi cho có lệ (trốn được thì tốt, bị ép quá thì chào cho xong) sẽ được chúng áp dụng mọi lúc mọi nơi. Nếu tiếp tục bị quát mắng, đám trẻ sẽ càng khó chịu hơn, chúng sẽ ghét phải đi ra ngoài với cha mẹ, ghét ở gần cha mẹ giống như ghét mặc quần áo đồng phục khi đi học vì nó thiếu đi sự thoải mái và tự nhiên.
Từ tầm tiểu học trở đi, trẻ biết đánh giá. Chúng sẽ nhận ra cha mẹ chúng cũng chẳng lễ độ gì cho lắm. Cha mẹ không bao giờ cảm ơn khi chúng giúp cha mẹ điều gì, không xin lỗi khi làm sai, thấy đồ đạc ở cơ quan, ở ngoài đường có thể lấy được là lấy, vượt đèn đỏ, nói xấu người khác, đi ăn buffet thì ăn cho đã đời, lấy đã đời rồi mặc kệ nhà hàng ra sao thì ra…. Chứng kiến những điều này, bọn trẻ sẽ thấy rất hay và học rất nhanh. Từ đó, mọi thói quen xấu được hình thành mặc cho cha mẹ chúng phiền lòng.
Có rất nhiều cha mẹ phiền lòng khi thấy mình vẫn chào hỏi líu lo mà con lại không chào. Chỉ một hôm nào đó gặp người lạ, cha mẹ nhắc con một câu, nó sẽ cảm thấy bị bêu xấu trước mặt người lạ. Có thể mọi khi con vẫn chào nhưng lúc đó, con quên chẳng hạn, điều đó cũng là bình thường, cha mẹ cũng có lúc sai mà. Cha mẹ không hiểu và nhắc nhở. Đám trẻ thấy bị bêu tên, chắc chắn chúng khó chịu và nghĩ rằng: "Đã xấu thì cho xấu luôn”. Và chúng bắt đầu học cách cư xử thiếu lịch sự cho đỡ bị... "oan".
Như vậy, nếu cha mẹ cảm thấy xấu hổ với người lớn đối diện khi đưa con đi đâu, cha mẹ nhắc nhở con dù chỉ một lần cũng sẽ làm chúng ghét phải đi chơi cùng cha mẹ, ghét gặp người lạ và ghét chào. Việc cha mẹ vì xấu hổ mà ép uổng con như vậy rõ ràng không đứng trên phương diện lợi ích của đứa trẻ để suy nghĩ, mà chỉ sợ chính mình bị chửi thầm là không biết dạy con. Điều đó sẽ khiến mọi việc ngày càng khó khăn hơn.
Cách thức dạy con các nguyên tắc cư xử lịch sự
1. Cha mẹ hãy chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, chúc ngủ ngon, mời ăn cơm... một cách nghiêm túc. Đặc biệt, làm việc đó với chính con mình. Khi đứa trẻ thấy được tôn trọng, chúng sẽ ngay lập tức tỏ thái độ đứng đắn để đáng được trân trọng. Khi đó việc dạy con sống đàng hoàng sẽ trở nên dễ dàng.
2. Không ép con phải chào hỏi, phải làm việc gì mà cha mẹ muốn khi đưa con ra ngoài mà gặp người khác. Hãy để con thoải mái cảm nhận sự an toàn khi giao tiếp với mọi người. Chúng sẽ dễ dàng giao tiếp hơn và câu chào sẽ bật ra một cách tự nhiên.
3. Khi con đã qua tuổi lên 6 mà vẫn chưa hình thành được thói quen cư xử lịch sự, cha mẹ hãy hoàn toàn lờ tịt đi nếu con cư xử bất lịch sự trước mặt người khác ngay thời điểm đó. Tuy nhiên, khi trở về nhà, hãy phạt con lỗi cư xử bất lịch sự đó. Hãy tự phạt bản thân nếu như cha/mẹ đã trót làm sai hoặc quên. Luật pháp nghiêm minh dù chỉ ngay trong gia đình chính là nền tảng tốt nhất để hình thành thói quen sống văn minh.
Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương