Kết quả về hiện trạng bụi PM2.5 của 63 tỉnh/thành mới đây cho thấy, Hà Nội là thành phố có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm cao nhất, vượt tiêu chuẩn cho phép. Quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình năm là 25 μg/m3. Tuy nhiên cả hai năm 2019-2020 Hà Nội đều vượt, trong đó có đến 29/30 quận, huyện và thị xã ở Hà Nội có nồng độ bụi PM2.5 ở mức cao. Tức cao gấp nhiều lần khuyến nghị về nồng độ bụi PM2.5 của WHO năm 2021 (5 μg/m3) và năm 2005 (10 μg/m3) cho sức khỏe cộng đồng.
Câu hỏi được đặt ra là làm gì để giảm mức độ ô nhiễm bụi mịn cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung? Độc giả Hello nếu quan điểm: "Theo tôi nên cấm dần xe máy và hạn chế ôtô xăng di chuyển trong nội thành càng sớm càng tốt. Song song với đó, có thể kết hợp thêm các biện pháp chống bụi khác do xây dựng, đất cát ra đường, cấm đốt gây khói bụi (có xử phạt nếu vi phạm)... Tóm lại, phải có nhiều giải pháp và mạnh tay xử lý các vi phạm, nếu không tình trạng ô nhiễm bụi mịn sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhiều bệnh tật xuất hiện, bệnh viện lại thêm quá tải...".
Đồng tình với giải pháp trên, bạn đọc Jimmynguyentritin lấy dẫn chứng từ cách làm của thế giới: "Trung Quốc đã từng đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí tương tự với Việt Nam. Sau đó, chính phủ nước này đã ban hành một loạt chính sách nghiêm ngặt như: cấm xe máy, tăng thuế với xe chạy xăng, ưu đãi xe điện, di dời nhà máy ra xa thành phố... Kết quả, đến bây giờ, chất lượng không khí tại các thành phố lớn của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể. Hơn 80% phương tiện đi lại tại đất nước này là xe điện, các phương tiện công cộng cũng đều chạy bằng điện (từ taxi, tàu điện, tới xe buýt)".
>> Bảo thủ về hạn chế xe cá nhân
Nhiều chuyên gia nhận định, mỗi địa phương cần có chính sách cụ thể, giải pháp tập trung vào nguyên nhân phát sinh ô nhiễm. Độc giả Mr.Hùng gợi ý: "Trong tình hình chưa có phương tiện thay thế xe máy, theo tôi, các nhà quản lý nên cấm triệt để những xe không đạt chất lượng khí thải lưu thông. Xe lớn, xe nhỏ gì cũng phải cấm tuyệt đối, Ở Việt Nam, tôi thấy người ta đang nhập rất nhiều xe bãi của nước ngoài (từ xe đầu kéo, xe ben, đến xe cơ giới). Nếu không có biện pháp kiểm soát lượng phương tiện này, e rằng tình hình sẽ ngày một xấu".
Trong khi đó, bạn đọc Đào Duy Thiệu lại cho rằng cần có những chính sách đặc biệt cho xe điện để thay thế xe chạy xăng: "Hậu quả của bụi mịn là rất khó lường do hạt siêu nhỏ, dễ đi vào máu rồi ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của cơ thể. Theo tôi, xe điện chắc chắn là xu hướng của tương lai mà chúng ta không thể đảo nghịch vì đặc điểm không khói, không bụi, không gây ồn... Do đó, chúng ta cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho việc phát triển xe điện về giá cả, hạ tầng, trụ sạc, đổi pin... Ví dụ rõ ràng nhất cho thấy ảnh hưởng tích cực của xe điện với người Việt chính là xe buýt điện".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Đào đường, sửa vỉa hè ồ ạt cũng gây ô nhiễm không khí Hà Nội'
- 'Trước kia cả thành phố đốt than tổ ong vẫn dễ thở hơn bây giờ'
- Tác động của nhà máy nhiệt điện đến ô nhiễm không khí Hà Nội
- 'Không dám ra ngoài trời tập thể dục vì Hà Nội ô nhiễm'
- Ô nhiễm không khí - không ai vô can
- 'Hà Nội ô nhiễm không khí vì nhiều công trình xây dựng kéo dài'