Trả lời:
Ung thư phổi là một trong ba loại thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ hai sau ung thư gan, ước tính mỗi năm có khoảng 23.000 ca mới, gần 21.000 trường hợp tử vong.
Ung thư phổi có thể di căn đến nhiều cơ quan như não, gan, xương. Khoảng 30-40% người bệnh ung thư phổi tiến triển đều bị di căn đến xương, đặc biệt là cột sống, xương chậu và xương trên của cánh tay, chân... gây đau. Nguyên nhân do tế bào ung thư kích thích hoặc chèn ép.
Thời điểm đầu, người bệnh sẽ thấy đau như bị căng cơ hoặc tác động ngoại lực mạnh. Ở giai đoạn muộn hơn, u chèn ép tủy khiến bệnh nhân đau đớn khi đi lại, ngứa hoặc tay chân yếu, thậm chí chân yếu, liệt, gãy xương.
Lưu ý, cơn đau lưng kéo dài trên 8 tuần cảnh báo nguy cơ u ác tính. Cơn đau thường tăng lên về đêm, đau tại vị trí di căn xương, đau xương tăng dần, cảm giác xương yếu đi rõ rệt. Nhiều người bị đau liên tục, dùng thuốc giảm đau không đỡ.
Tuy nhiên, không phải ai đau lưng cũng mắc ung thư phổi. Để kiểm tra chính xác, người bệnh nên đi khám, kiểm tra tại bệnh viện.
Ung thư phổi diễn biến thầm lặng nên đa số người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường, cũng như tăng cơ hội chữa trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Những người nên chủ động tầm soát ung thư phổi khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho dai dẳng/có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân... Đặc biệt, những người có tiền sử hút thuốc lá, gia đình có người mắc ung thư nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.
Bác sĩ Phạm Cẩm Phương
Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai