Theo số liệu từ BP được Bloomberg dẫn lại, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô cao thứ hai ở khu vực Đông Á, chỉ sau Trung Quốc với 4,4 tỷ thùng (tương đương gần 630 triệu tấn). Với mỏ "vàng đen" này, mỗi năm xuất khẩu dầu thô đóng góp quan trọng cho thu ngân sách quốc gia. Do đó, giá dầu giảm hơn 40% từ tháng 7 tới nay khiến nhà điều hành không thể "ngồi im".
Đầu tuần này, lần đầu tiên 4 Bộ gồm: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước đã họp với nhau để bàn về quy chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó việc theo dõi tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu dầu được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế, ngân sách của quốc gia.
"Khi thị trường thế giới có biến động, Việt Nam cần có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất để xử lý tình huống sao cho giảm thiểu tác hại tới trong nước và chọn được những giải pháp tối ưu nhất để phát triển", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn VTV sau cuộc họp.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết chi phí khai thác một thùng dầu của Việt Nam khoảng 30-70 USD. Con số này gần sát với báo cáo của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) công bố ngày 9/12 khi cho hay điểm hoàn vốn sản xuất dầu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) khoảng 50 USD một thùng, so với mức 65 - 75 USD một thùng của các đối tác.
Với giá thành trên, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lãi khi bán dầu thô với giá trên 70 USD một thùng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 12, cả nước đã xuất khẩu được 8,7 triệu tấn dầu thô, tổng giá trị hơn 6,9 tỷ USD. Tính bình quân, giá xuất khẩu mỗi thùng dầu đạt 113 USD một thùng, cao hơn mức bình quân 50 USD nói trên.
Tuy nhiên, với sự lao dốc của giá dầu thế giới, giá xuất khẩu dầu thô thực tế từ tháng 7 đến nay cũng giảm mạnh và trong nửa đầu tháng 12, mức giá xuất khẩu bình quân chỉ còn 73 USD một thùng. Có thể thấy, biên lợi nhuận từ dầu xuất khẩu thô ngày càng thu hẹp. Nếu giá tiếp tục giảm, khả năng hoạt động xuất khẩu dầu thô sẽ không còn lãi. Lý do là trong nửa đầu tháng 12, giá thế giới dao động từ 56-79 USD một thùng, song đến nay đã rớt về gần 54 USD một thùng.
Mỗi động thái của giá dầu đều đang được các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ, như vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư khẳng định giá dầu không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, thu ngân sách mà còn tác động nhiều mặt. "Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8-1,2 điểm phần trăm", Bộ trưởng Vinh cho biết.
Với ngân sách, năm 2015, nguồn thu được xây dựng trên cơ sở dự toán giá dầu ở mức 100 USD một thùng, cao hơn mức dự toán năm nay là 98 USD một thùng. Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, cứ mỗi USD giá dầu giảm, thu ngân sách nguy cơ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng.
PVN hiện chưa phát ngôn về kế hoạch khai thác dưới ảnh hưởng của diễn biến giá dầu. Tính từ đầu năm, sản lượng khai thác dầu thô giữ ổn định, thậm chí còn tăng vọt trong tháng 11, thời điểm giá dầu thô thế giới xuống dưới 80 USD một thùng. Đến ngày 9/12, PVN cho biết đã cán mốc sản lượng khai thác 16,2 triệu tấn dầu và lên kế hoạch vượt chỉ tiêu trên 1 triệu tấn.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN đánh giá nếu giá dầu thô về dưới mức 70 USD một thùng, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. "Tuy nhiên, con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp từ các hoạt động sản xuất dầu thô, còn các nguồn khác như nhập khẩu dầu sản phẩm do đang hưởng lợi từ giá thấp nên đảm bảo cân bằng nguồn thu, không đến mức thiếu hụt", ông Sơn khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết quan điểm cơ quan này là không phải do giá dầu thô giảm mà kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù đắp, bởi những mỏ có chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà chờ khi giá tăng trở lại. Trong tình huống năm 2015 giá dầu tiếp tục thấp, Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối.
Phương Linh