"Nếu giá dầu tiếp tục giảm, sản xuất sẽ không còn có lãi, hoặc có lãi nhưng không đáng kể. Nếu giảm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác theo kế hoạch hiện nay thì tăng trưởng GDP có thể giảm từ 0,8 - 1,2%", ông trả lời VTV trong bản tin tối 17/12.
Vị trưởng ngành Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận định khâu xuất khẩu bị thiệt, song khâu nhập khẩu cũng như người tiêu dùng, các ngành sản xuất sẽ có lợi.
"3-4 tháng vừa qua giá xăng dầu liên tục giảm, điều này sẽ tác động có lợi cho người tiêu dùng. Chi phí đầu vào của các sản phẩm giảm đi, giá thành giảm thì sẽ khiến sức cạnh tranh cao hơn", Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh khi thị trường thế giới có biến động, Việt Nam cần phải có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất để xử lý tình huống sao cho giảm thiểu tác hại tới trong nước và chọn được những giải pháp tối ưu nhất để phát triển. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ để cung cấp thông tin đầy đủ. Kinh nghiệm của 2012 - 2013 trong điều hành giá cả cũng như lạm phát là nếu những dự báo được phối hợp chặt chẽ, nhìn nhận thấu đáo thì sẽ có những giải pháp đúng, điều hành đúng.
Trước đó, thị trường dầu thô thế giới đã trải qua giai đoạn tồi tệ khi giảm từ gần 110 USD về dưới 55 USD một thùng - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua (giảm hơn 40%). Trong cuộc họp báo của hồi cuối tháng trước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết cứ một USD giá dầu giảm, thu ngân sách sẽ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. Và theo các chuyên gia, ngân sách thất thu sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế.
Với quan điểm tích cực, ông Glenn B. Maguire - Kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương cho biết giá dầu giảm 10% trên 4 quý liên tiếp làm GDP giảm 0,1%, điều này tương ứng việc giá dầu giảm 40% cũng chỉ làm GDP giảm khoảng 0,4%. Quan ngại hơn, một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Phú Hưng nhận định giá dầu ở nức 60 - 80 USD một thùng sẽ khiến GDP Việt Nam chỉ tăng 3,6 - 5,2% vào năm 2015, trong khi mục tiêu tăng trưởng là 6,2%.
Huyền Thư