Thị trường dầu thô trải qua hai đợt giảm giá mạnh tính từ khủng hoảng kinh tế 2008-2009 đến nay. Giá lập kỷ lục khoảng 140 USD một thùng vào giữa năm 2008 rồi nhanh chóng rớt xuống sát 40 USD chỉ vài tháng sau đó. Đà giảm hơn 40% từ mức trên 100 USD xuống dưới 60 USD một thùng từ tháng 7 đến nay chưa bằng diễn biến 2008, nhưng cũng thực sự đáng chú ý sau thời gian dài giá dầu chỉ theo xu hướng tăng với hy vọng mong manh kinh tế thế giới đang phục hồi.
Đồng đôla Mỹ tăng giá, căng thẳng chính trị giữa Nga, Mỹ và châu Âu xung quanh vấn đề Ukraina, nguồn cung dồi dào hơn trong khi nhu cầu nhiên liệu chưa phục hồi như dự báo là những tác nhân khiến giá dầu giảm mạnh trong nửa cuối năm nay. Tại Singapore, thị trường nhập khẩu dầu thô chính của Việt Nam, giá một thùng dầu ngày 15/12 đã xuống tới 73 đôla Singapore, tương đương 55,7 đôla Mỹ theo tỷ giá hiện tại, giảm 40% so với cuối năm ngoái - mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
"Giá xăng dầu giảm sâu chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát và tăng trưởng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam", Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright chia sẻ với VnExpress.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp từ đầu năm đến nay có một phần lý do quan trọng là giá xăng dầu. Giá mặt hàng này còn tác động đến nhiều kênh gián tiếp khác, bởi xăng dầu là yếu tố đầu vào của rất nhiều ngành sản xuất và dịch vụ.
Đại diện Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, xăng dầu chiếm quyền số 40% trong nhóm hàng hóa giao thông thuộc rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, vốn chiếm tỷ trọng 8,87% trong các nhóm hàng hóa tính CPI. Do đó, nếu giá xăng dầu giảm 40% như trên thị trường thế giới, CPI sẽ bị tác động trực tiếp giảm khoảng 1,4%.
Từ giữa tháng 7 đến nay, với đà giảm của thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước đã 13 lần giảm liên tiếp, tổng cộng 5.710 đồng với một lít xăng Ron 92, tương đương 22%. Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng so với cuối năm trước cũng chỉ nhích từ 1,62% hồi tháng 7 lên 2,08% vào tháng 11, trong đó nhóm hàng giao thông 4 tháng giảm liên tiếp.
Các chuyên gia nhìn nhận, tác động tích cực trước mắt của giá xăng dầu giảm là giúp kiềm chế mạnh hơn nữa giá tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để Thủ tướng khẳng định lạm phát năm nay của Việt Nam chỉ là 3% - mức thấp nhất trong nhiều năm qua và nhiều hãng vận tải, taxi đăng ký giảm giá cước từ 4 đến 15%.
Hành vi chi tiêu của hộ gia đình có thể thay đổi đáng kể theo sự biến động của giá dầu. Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích: "Trước đây giá một lít xăng là 25.000 đồng. Mỗi ngày tôi phải đổ một lít xăng để đi làm, tức là bỏ ra 25.000 đồng. Nay giá xăng chỉ còn 20.000 đồng một lít nhưng tôi vẫn chỉ cần đổ một lít xăng để đi làm thôi, vậy tính ra tôi như có thêm 5.000 đồng nữa để chi tiêu. Đây chính là tác động thu nhập. Tác động thứ hai là tác động thay thế, tức khi giá hàng hóa này thay đổi tương đối so với giá hàng hóa khác, người tiêu dùng sẽ chuyển sang hàng hóa có mức giá rẻ hơn tương đối. Tất cả các hành vi đều làm tăng chi tiêu của nền kinh tế".
Báo cáo điều tra mức sống hộ gia đình năm 2012 cho thấy, chi phí cho đi lại và bưu điện chiếm khoảng 12% trong tổng chi tiêu của người dân Việt Nam. Giả định ngân sách cho việc đi lại chiếm một nửa trong nhóm này, giá xăng dầu giảm từ 20 đến 40% có thể khiến người dân được lợi 1,2 - 2,3% so với trước đây. Con số này còn chưa tính đến việc người tiêu dùng sẽ giàu thêm khi giá gas giảm (nhóm ngành chất đốt chiếm khoảng 3% trong tổng chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam).
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh nhận định chưa chắc người dân đã mạnh tay chi tiêu hơn khi giá cả giảm, mà còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế. "Giả sử giá một bát phở giảm từ 50.000 đồng xuống 45.000 đồng, chắc gì mình sẽ ăn 2 bát. Và cũng không chắc khi giá xăng dầu giảm xuống, tài xế xe có thể tăng từ 4 lên 8 chuyến một ngày", ông ví von.
Trong khi người dân hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến giá dầu giảm thì ngân sách quốc gia lại chịu nhiều áp lực, khi mà nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô trong hơn 10 năm qua chiếm 10 - 30% tổng thu ngân sách.
Theo thông tin từ Người phát ngôn của Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cứ một USD giá dầu giảm so với mốc 100 USD một thùng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Giả sử giá dầu giữ ở mức 60 USD trong năm sau, ước tính ngân sách có thể thất thu tới 40.000 tỷ đồng. Trong điều kiện các khoản thu và chi khác không thay đổi so với dự toán, con số hụt thu hàng chục nghìn tỷ đồng kia sẽ tác động không nhỏ đến mục tiêu giảm bội chi từ mức 5,3% GDP xuống 5% GDP vào năm 2015.
"Trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế vẫn còn dè dặt, nguồn thu ngân sách vẫn bấp bênh thì mục tiêu giảm bội chi ngân sách sẽ rất khó đạt được, mặc dù đó là một mục tiêu cần thiết. Việc giá dầu giảm, thậm chí giảm thấp hơn mức giá lập dự toán chắc chắn đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu và đáng lẽ thâm hụt ngân sách trong năm nay có khả năng sẽ nặng nền hơn. Tuy nhiên chúng ta lại chủ động tăng sản lượng khai thác để bù vào mức sụt giảm của giá nhằm đảm bảo đủ nguồn thu", tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường - Học Viện Tài chính cũng từng chỉ ra rủi ro ngân sách còn đến từ cơ cấu nguồn thu không bền vững, phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, trong đó có dầu thô. Giá dầu cao có thể giúp cho ngân sách Nhà nước thu vượt dự toán như năm 2012, song cũng gây hạn chế khi Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% xăng dầu làm nhiên liệu và nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu đầu vào được chế biến từ dầu thô. Ngược lại, khi giá dầu giảm, ngân sách đứng trước nguy cơ hụt thu.
"Khi thu ngân sách vẫn còn trông chờ nhiều vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo thì nền kinh tế dễ bị rơi vào một tình trạng được gọi là 'Căn bệnh Hà Lan', một thuật ngữ chỉ tình trạng nền kinh tế chỉ tập trung vào khai thác lợi thế tự nhiên sẵn có, nhất là phục vụ cho xuất khẩu mà bỏ qua việc phát triển các ngành nghề khác, dẫn đến nguy cơ bất ổn kinh tế trong dài hạn", vị này phân tích.
Việt Nam hàng năm cũng chi ra hàng tỷ đôla nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về tiêu thụ, do năng lực chế biến trong nước còn hạn chế. Giá giảm có thể giúp giảm kim ngạch nhập khẩu, bớt phần chi ngoại tệ cho nhu cầu xăng dầu, song bản thân doanh nghiệp đầu mối kinh doanh cho biết họ không được lợi. Trong bối cảnh giá liên tục giảm, điều kiện dự trữ lưu thông 15-20 ngày, doanh nghiệp chịu áp lực nhập giá cao bán giá thấp và đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Giá dầu giảm, ngân sách hụt thu cũng không khỏi ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Phú Hưng mang tiêu đề “Tác động của giá dầu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, trong điều kiện giá dầu giảm về 60 USD một thùng, công ty này ước tính GDP năm tới sẽ là 4,4 triệu tỷ đồng, thấp hơn mức dự toán là 4,5 triệu tỷ đồng và tăng trưởng kinh tế năm tới khó đạt mục tiêu 6,2%.
Để tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách, cơ quan này đề ra 3 kịch bản. Thứ nhất là tăng thuế để tăng nguồn thu, song việc này sẽ khiến gánh nặng chi phí trong xã hội tăng, dẫn đến tổng cầu giảm, GDP giảm. Thứ hai là phát hành trái phiếu trong nước, nhưng việc này cũng không khả quan do tạo sức ép tăng lãi suất tiền đồng, trong khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan này nghiêng về phương án thứ ba, đó là phát hành trái phiếu quốc tế để tài trợ cho khoản thâm hụt ngân sách, trong bối cảnh Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm sẽ khiến cho lãi suất đi vay giảm xuống.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài cũng như gánh nặng nợ công. Trong buổi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thông tin nợ công đã tăng cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối, từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm) và suýt soát mức trần 65% GDP.
Do đó, để đưa ra phương án ứng phó hợp lý với việc giá dầu giảm, vị này cho rằng cơ quan điều hành cần có những cân nhắc kỹ lưỡng. Và tới đây, trong cuộc họp đầu tiên sau khi bốn Bộ gồm Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước có quy chế phối hợp về tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô, rất có thể chủ đề giá dầu sẽ được đưa ra họp bàn, để các cơ quan quản lý phân tích và đưa ý kiến tham mưu cho Chính phủ, đặc biệt khi lãnh đạo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mới đây đánh tiếng sẽ không có động thái can thiệp dù giá dầu xuống 60 USD hay 40 USD.
Phương Linh