Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm nay gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2.
Trước đó, cả hai bên đã có những dấu hiệu "giảm tông" rõ ràng trong lập trường công khai của họ. Nga ngày 9/3 tuyên bố rằng không tìm cách "lật đổ" chính phủ Ukraine. Lập trường của Moskva hiện tại là Kiev phải công nhận chủ quyền của Nga với bán đảo Crimea và tình trạng độc lập của hai khu vực ly khai miền đông Ukraine, cũng như giữ vị thế trung lập trong hiến pháp, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov.
"Những thay đổi trong lập trường của Moskva rất đáng chú ý", Ivan Timofeev, chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, nói. "Quan điểm của họ đã trở nên thực tế hơn".
Khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hai tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói mục tiêu là "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine. Tuy nhiên, giọng điệu Nga bắt đầu thay đổi trong những ngày gần đây, khiến nhiều người cho rằng nó có thể mở ra cơ hội hạ nhiệt xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 8/3 ám chỉ khả năng từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, dù mục tiêu này từng được đưa vào trong hiến pháp Ukraine từ năm 2019.
"Tôi từ lâu không còn quá mặn mà với vấn đề gia nhập NATO, sau khi chúng tôi hiểu rằng liên minh chưa sẵn sàng chấp nhận Ukraine", ông Zelensky nói.
Ukraine cũng sẵn sàng thảo luận với Nga về các vùng ly khai. "Điều quan trọng với tôi là những người dân ở đó sẽ sống thế nào, những người muốn trở thành một phần của Ukraine. Câu hỏi này khó hơn nhiều việc thừa nhận chúng", ông nói.
Khi Nga tiếp tục chiến dịch tại các thành phố Ukraine những ngày gần đây, Điện Kremlin cho thấy rất ít dấu hiệu sẵn sàng lùi bước trên thực địa. Giới phân tích cho rằng với Tổng thống Putin, Ukraine là vấn đề quan trọng khi ông nhìn nhận di sản của bản thân: một lãnh đạo thống nhất những vùng đất lịch sử của Nga bị chia cắt sau khi Liên Xô tan rã.
Trong những ngày đầu chiến dịch, ông từng liên tục kêu gọi quân đội Ukraine hạ vũ khí và đàm phán, dường như hy vọng người Ukraine sẽ đứng về phía Nga. Nhưng sự kháng cự quyết liệt của Ukraine và sự đoàn kết của phương Tây trong áp lệnh trừng phạt Nga dường như cho thấy ông đã tính toán sai.
Timofeev nói Điện Kremlin giờ đây phải lựa chọn: hoặc chấp nhận thỏa hiệp với chính phủ thân phương Tây ở Kiev, hoặc tiếp tục chiến dịch có nguy cơ gây thương vong lớn cho cả quân đội và dân thường.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hy vọng ông Putin sẽ đưa ra lựa chọn "ít tổn thất nhất", trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang tuần thứ ba.
Mỹ đã tránh tham gia đối thoại cấp cao với Điện Kremlin kể từ khi chiến dịch bắt đầu, sau nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ Joe Biden vài tháng trước. Thay vào đó, một số đồng minh của Mỹ đã tăng cường nỗ lực làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột, đặc biệt là Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã tới Moskva cuối tuần trước để gặp Tổng thống Putin. Ông tiếp tục điện đàm với lãnh đạo Nga hôm 8/3, cuộc trao đổi thứ năm giữa họ kể từ khi chiến dịch quân sự ở Ukraine bắt đầu.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang nỗ lực tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán giữa hai bên. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu đã nói chuyện với ông Lavrov 4 lần và ông Kubela 6 lần kể từ khi xung đột quân sự xảy ra.
Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO, cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine. Nhưng Tổng thống Erdogan cũng có mối quan hệ cá nhân thân thiết với ông Putin. Không giống các lãnh đạo NATO khác, ông đã không áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Nga vì chiến dịch ở Ukraine.
"Tôi hy vọng cuộc họp này sẽ mở ra cánh cửa cho lệnh ngừng bắn vĩnh viễn", ông Erdogan hôm 9/3 nói về cuộc hội đàm giữa ông Lavrov và Kubela.
Lệnh ngừng bắn có thể khiến công chúng Ukraine thấy nhẹ nhõm, nhưng không đồng nghĩa là kết thúc xung đột quân sự. Thay vào đó, giới phân tích cảnh báo hai bên có thể sử dụng lệnh ngừng bắn để củng cố lực lượng trước khi chiến sự tiếp tục leo thang.
"Đối với Ukraine, họ sẽ coi lệnh ngừng bắn là cơ hội để đưa một số dân thường tới nơi an toàn và tiếp tục nhận viện trợ từ phương Tây", Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc tại Quỹ German Marshall của Mỹ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ nói. "Tôi sợ rằng hai bên sẽ lợi dụng lệnh ngừng bắn chỉ để tăng cường các cuộc tấn công sau đó".
Giới chức Nga và Ukraine đã tổ chức ba vòng đàm phán ở Belarus kể từ khi chiến sự nổ ra. Ông Peskov mô tả cuộc gặp hôm nay tại khu nghỉ mát Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là "sự tiếp nối rất quan trọng của quá trình đàm phán".
"Lập trường của Nga đã được thiết lập và trình bày với các nhà đàm phán Ukraine. Chúng tôi mong có những vòng đàm phán mới càng nhanh càng tốt", ông nói.
Đầu tuần này, Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng, nói Mỹ ủng hộ các lãnh đạo nước ngoài theo đuổi con đường ngoại giao với ông Putin, miễn là họ cũng làm điều tương tự với Ukraine.
Khi được hỏi về khả năng điện đàm trực tiếp giữa ông Biden và Tổng thống Nga, Jen Psaki nói "bây giờ chưa phải lúc", nhưng thêm rằng "điều đó không có nghĩa là hai lãnh đạo sẽ không bao giờ nói chuyện. Chúng tôi sẽ cân nhắc điều đó".
Samuel Charap, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện là nhà phân tích về Nga tại tổ chức Rand Corporation, nói Mỹ ưu tiên cho áp lực quân sự và kinh tế chống lại Nga hơn là theo đuổi con đường ngoại giao.
"Tôi cho rằng đó là bởi vì đến thời điểm này, họ nghĩ đó là ngõ cụt, không thể thuyết phục phía Nga hồi tâm chuyển ý ngay lập tức", ông nói.
Tuy nhiên, Charap cảnh báo cách tiếp cận này của Mỹ có thể làm hạn chế khả năng kết thúc chiến dịch của Nga. "Trong quan điểm của ông Putin, Tổng thống Mỹ là người đối thoại quan trọng duy nhất", ông nói.
Ông thêm rằng các kênh liên lạc trực tiếp đều có giá trị ngay cả khi một thỏa thuận có vẻ khó đạt được, bởi chúng có thể tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán sau này, tránh hiểu lầm và có khả năng xoa dịu những lo ngại của ông Putin.
"Chính sách và quan điểm của ông Putin có thể đang thay đổi và cách duy nhất bạn có thể tìm ra điều đó là nói chuyện với ông ấy", Charap nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times, WP)