Bài viết được tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội).
Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) cao hơn 180 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) cao hơn 120 mmHg. Huyết áp thông thường của một người khỏe mạnh ở khoảng 120/80 mmHg.
Biểu hiện
- Đau đầu dữ dội.
- Người mệt mỏi.
- Đau ngực dữ dội.
- Biến chứng nặng như lú lẫn, lơ mơ, cơn đau thắt ngực hoặc co giật.
- Đột quỵ, méo miệng, liệt, yếu một bên người, hôn mê...
Xử trí
- Trong trường hợp người bệnh hơi thở yếu, không còn hơi thở hoặc không còn nhịp tim, cần lập tức thực hiện hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực kết hợp hà hơi thổi ngạt. Gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Trường hợp bệnh nhân hôn mê, người nhà hay người sơ cứu để bệnh nhân nằm nghiêng về một bên giữ cho đường thở thông thoáng.
- Trường hợp người bệnh vẫn tỉnh táo nên nằm nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí, đo lại huyết áp sau 15 phút.
Khuyến cáo
- Những người trên 40 tuổi cần theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện tăng huyết áp nếu có.
- Người bệnh tuân thủ thuốc điều trị, không đứng quá lâu hoặc lao động quá lâu ngoài trời nắng, hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột (ra vào phòng điều hòa, tắm ngay khi đi ngoài trời về).
- Theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ và tái khám định kỳ.
- Duy trì lối sống lành mạnh, khoa học để hạn chế các yếu tố nguy cơ.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, thực phẩm chứa nhiều Omega-3, acid béo. Hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn. Bỏ các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê. Duy trì vận động, tập luyện hàng ngày.
Thùy An