Thai chết lưu là tình trạng thai nhi đã chết trước khi sinh, sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng em bé mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ được gọi là sẩy thai.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Tảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, Hà Nội, cho biết thường không thể xác định chính xác nguyên nhân thai chết lưu. Tuy nhiên có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ thai chết lưu như dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng, các vấn đề với dây rốn, nhau thai bị bất thường khiến tách khỏi thành tử cung quá sớm, thai chậm phát triển trong thành tử cung, cá nhân hoặc gia đình có tiền sử bệnh lý đông máu như huyết khối, viêm tĩnh mạch huyết khối, thuyên tắc phổi, tiền sản giật...
Khó xác định chính xác thời gian thai nhi tử vong bởi không có dấu hiệu đặc trưng, phải chờ đến khi đi khám và có kết luận của bác sĩ. Trong thời gian mang bầu, các mẹ không nên chủ quan với bất kỳ dịch bất thường nào từ âm đạo, vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng tử cung, nguy cơ em bé bị chết lưu. Sản phụ có thể sẽ gặp tình trạng từ đau bụng nhẹ đến nặng, chóng mặt, sốt cao, đau lưng dữ dội...
Thai nhi sau 28 tuần, khi xảy ra hiện tượng chết lưu, các chuyển động của em bé như đạp trong bụng mẹ sẽ giảm đột ngột. Bình thường, chuyển động của bé sẽ tăng dần trong suốt thai kỳ, lên đến khoảng 32 tuần thai rồi giữ nguyên đến khi sinh. Nếu số lần đạp của bé thay đổi giảm đi hoặc bạn không thể cảm thấy con mình di chuyển, nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
"Những dấu hiệu này sản phụ rất khó tự nhận biết. Chỉ có thể biết chính xác khi đến bệnh viện kiểm tra nhịp tim của bé, bác sĩ sẽ dùng thiết bị để siêu âm nhịp tim thai", bác sĩ cho biết.
Siêu âm trong thai kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe em bé trong bụng mẹ. |
Biết thai chết lưu, phụ thuộc vào tuần thai và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, để có những biện pháp xử lý phù hợp. Nếu tình trạng sức khỏe của mẹ ổn định, có thể chờ để chuyển dạ tự nhiên hoặc chuyển dạ bằng thuốc. Để thai chết lưu trong tử cung lâu sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn đông máu, gây nguy hiểm cho mẹ.
Nguy hiểm đối với bà bầu nếu thai chết lưu là ối vỡ sớm khi chưa có dấu hiệu sảy hay chuyển dạ. Lý do, khi màng ối rách, vi khuẩn sẽ thâm nhập vào buồng ối và tử cung gây nhiễm khuẩn trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Bác sĩ cần phải lấy thai nhi ra càng sớm càng tốt.
Tránh mổ lấy thai, trừ khi không sinh được bằng đường âm đạo hoặc nguy cơ đe dọa tính mạng sản phụ.
Theo phó giáo sư Tảo, sàng lọc các nguy cơ mang thai và xác định những bất thường tăng trưởng của bào thai là điều nên làm để hạn chế tình trạng thai chết lưu. Ngoài ra, các mẹ bầu không được bỏ lỡ bất kỳ cuộc hẹn khám thai nào, theo dõi chuyển động của thai nhi sau 3 tháng đầu thai kỳ, thực hiện lối sống lành mạnh để thai phát triển tốt nhất. Tránh mang giày cao gót và nên đeo dây an toàn khi đi ôtô.
Thúy Quỳnh