Chạy bộ ban đêm có nhiều khác biệt so với ban ngày, đặc biệt ở việc thay đổi nhịp sinh học quen thuộc của cơ thể. Thời điểm này nhiều VĐV đang dần chuyển sang tập chạy đêm, chuẩn bị cho giải VnExpress Marathon Hanoi Midnight 2024 - Hyundai Thanh Cong Cup diễn ra vào 24/11. Dự kiến khoảng 10.000 VĐV sẽ xuất phát từ nửa đêm. Thi đấu vào thời điểm cơ thể quen với nghỉ ngơi, việc nhận diện các dấu hiệu DNF (Did Not Finish - không hoàn thành cuộc đua) trở nên cần thiết. DNF không chỉ là thuật ngữ thể thao, đây là quyết định bảo vệ sức khỏe VĐV. Dưới đây là một số dấu hiệu runner nên chủ động dừng cuộc đua.
Đau nhức cơ bắp và khớp sớm
Đau nhức cơ bắp là kết quả của quá trình tích lũy căng thẳng và áp lực lên cơ bắp khi hoạt động cường độ cao. Theo một nghiên cứu từ Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ, tình trạng này phổ biến sau khi cơ thể chịu tải quá mức, đến 70% marathoner từng trải qua. Cơn đau đến từ sự tích tụ axit lactic trong cơ bắp, gây ra hiện tượng co cứng và khó chịu, thường xuất hiện sau 30-60 phút sau khi chạy hoặc ngay từ đầu cuộc đua đối với những ai không khởi động kỹ.
Tuy nhiên, nếu cơn đau xuất hiện tại các khớp, nhóm cơ lớn như đùi, bắp chân từ sớm, trong khi trước đó đã khởi động kỹ thì không đơn thuần do cơ thể mệt mỏi. Đó là tín hiệu cơ thể phản ứng quá mức với áp lực, cần được nghỉ ngơi ngay.
Khi cơ bị áp lực kéo dài trong điều kiện ban đêm, nhiệt độ thấp, cường độ vận động cao có thể gây viêm gân hoặc rách cơ. Nguy cơ bị viêm gân Achilles tăng cao nếu không có biện pháp phục hồi kịp thời. Khi có dấu hiệu đau nhức sẽ gây chấn thương và kéo dài thời gian phục hồi từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn với những tổn thương nặng.
Mệt mỏi và suy nhược
Mệt mỏi là trạng thái khó tránh khỏi khi đua marathon. Khoảng 40% VĐV trong các nghiên cứu cho thấy không thể hoàn thành bài tập hoặc cuộc đua do mệt mỏi quá mức. Tuy nhiên nó không đơn thuần chỉ là sự suy giảm thể lực mà còn là cảnh báo của cơ thể về sự mất cân bằng năng lượng, giấc ngủ và sức bền.
Dấu hiệu nhận biết là VĐV không thể duy trì tốc độ ban đầu, hụt hơi, không có khả năng điều chỉnh hơi thở, đau nhức... tăng nguy cơ chấn thương và kiệt sức. Tiếp tục chạy trong tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng lâu dài đến hệ tim mạch. Vì vậy runner nên xem xét khả năng DNF
Triệu chứng chóng mặt hoặc buồn nôn
Nếu runner cảm thấy chóng mặt hoặc buồn nôn trong quá trình chạy, đây là dấu hiệu cần phải lưu ý. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cơ thể đang mất nước hoặc hạ đường huyết. Nghiên cứu cho thấy, khi chạy trong điều kiện lạnh, ban đêm, nguy cơ mất nước tăng lên do cơ thể không cảm nhận được nhu cầu nước như chạy dưới thời tiết nóng.
Đường trong máu quá thấp cũng gây ra cảm giác chóng mặt và buồn nôn do cơ thể đã sử dụng hết lượng glycogen dự trữ (năng lượng từ carbohydrate) mà không được bổ sung kịp thời. Việc chạy trong thời gian dài, đặc biệt là vào ban đêm khi cơ thể không hoạt động như bình thường, sẽ làm gia tăng nguy cơ này.
Khi gặp tình trạng này, runner nên nạp nước. Triệu chứng không cải thiện, cần tìm sự giúp đỡ y tế để tránh biến chứng nặng hơn như sốc, ngất xỉu.
Cảm giác mất kiểm soát, căng thẳng tâm lý
Nghiên cứu từ Đại học Stanford chỉ ra, căng thẳng tâm lý trong tình huống này làm giảm khả năng tập trung, khó đưa ra quyết định chính xác, tăng nguy cơ chấn thương. Ví dụ, khi runner cảm thấy mất tự tin vào bước chạy hoặc không kiểm soát được đường do tầm nhìn hạn chế, có thể đưa ra những quyết định sai lầm như thay đổi hướng đột ngột, không kịp thời tránh chướng ngại vật.
Cảm giác bất ổn về phương hướng hoặc không chắc chắn về tốc độ cũng làm cho VĐV mất đi sự nhịp nhàng trong quá trình chạy. Khi kiểm soát không tốt sẽ dễ mất thăng bằng hoặc thay đổi cách tiếp đất làm căng cơ hoặc chấn thương.
Lan Anh