Sau 2 tuần em ngủ dậy bị đau cổ họng, cứ nuốt vào là đau và có đờm. Em uống thuốc 2 ngày thì khỏi, nhưng sau lại bị đi ngoài phân sống. Lưng và bụng em nổi lên những nốt nhỏ bằng que tăm nhưng không ngứa (khoảng 10 nốt). Giờ em hoang mang quá mong bác sĩ và mọi người tư vấn giúp. (Bi).
Trả lời:
Chào bạn,
Khả năng lây nhiễm HIV khi bị kim đâm xuyên da có tỷ lệ rất thấp, ước tính vào khoảng 0,3% cho một lần tiếp xúc.
Tỷ lệ này gia tăng nếu số lượng máu trong kim tiêm nhiều (quan sát thấy máu trong kim), nồng độ hay còn gọi là tải lượng virus trong máu của nguồn gây phơi nhiễm cao, số lần tiếp xúc gia tăng.
Trường hợp bị máu dây vào niêm mạc (niêm mạc miệng, mũi hay mắt), tỷ lệ ước tính vào khoảng 0,09%. Các tiếp xúc với máu trên vùng da nguyên vẹn được cho là có tỷ lệ lây nhiễm kém hơn (gần như bằng 0) so với tiếp xúc qua niêm mạc, và do đó được xem là an toàn.
Bên trên là tổng quan về các tiếp xúc với máu trong lây nhiễm HIV không kể trường hợp truyền máu và tiêm trực tiếp vào máu (tiêm chích ma túy chung kim).
Do tỷ lệ lây nhiễm của các tiếp xúc này là rất thấp, thực tế, đường lây nhiễm HIV này thường chỉ được nhắc đến trong dự phòng trên nhân viên y tế hay những người làm việc có thao tác đâm xuyên da hoặc các tiếp xúc với máu khác. Họ được khuyến cáo cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình bảo vệ và dự phòng lây nhiễm, do tính chất tiếp xúc thường xuyên và khả năng xảy ra phơi nhiễm gia tăng. Còn trên thực tế, trên dân số chung, rất hiếm khi ghi nhận ca bệnh HIV do đường lây này.
Số người nhiễm HIV ở Việt Nam đều có đường lây rõ ràng. Nhiều nhất là tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Kế đến là một bộ phận trẻ bị lây nhiễm từ mẹ, ba đường lây này đã bao phủ gần như trọn vẹn biểu đồ dịch tễ HIV.
Một điểm lưu ý nữa là virus HIV sẽ nhanh chóng bị phân hủy khi ở môi trường ngoài cơ thể. Chúng không sống quá 7 ngày ngay cả có điều kiện thuận lợi như môi trường máu. Thuật ngữ kim tiêm cũ cũng được nhắc đến trong nhóm những người làm công tác dự phòng HIV nhằm chỉ những kim tiêm đã sử dụng khá lâu, quan sát thấy đã rỉ sét hay bám bụi bẩn, và nhất là khi nó không nằm trong điểm chích đang hoạt động.
Nói như vậy, bạn có thể phần nào an tâm rằng khả năng bạn bị lây nhiễm HIV trong tình huống này là rất thấp. Các biểu hiện bệnh mà bạn lo lắng có thể chỉ là sự tình cờ cho một đợt bệnh cảm hay rối loạn tiêu hóa mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải. Bạn có thể tham gia xét nghiệm HIV kiểm tra ngay thời điểm phơi nhiễm và sau đó 3-6 tháng để khẳng định tình trạng huyết thanh kháng HIV âm tính.
Trong trường hợp mới phơi nhiễm không lâu không quá 72 giờ, người bị phơi nhiễm có thể sát trùng và chăm sóc vết thương, sau đó nhanh chóng tiếp cận dịch vụ y tế uy tín để nhận được tư vấn và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm theo chỉ định. Ngoài HIV, người bị phơi nhiễm cũng cần lưu ý đến các bệnh lây truyền qua đường máu khác như viêm gan siêu vi B, C và cũng cần tiêm ngừa uốn ván (nhất là khi kim tiêm đã rỉ sét hay quá bẩn).
Thân ái.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ