Trả lời:
Đau bụng kinh có hai loại: Đau nguyên phát (đau bụng kinh xuất hiện ngay thời con gái, thường sau một vài chu kỳ kinh bình thường) và đau thứ phát (đau xuất hiện sau nhiều năm có kinh nguyệt bình thường). Loại đau bụng kinh nguyên phát thường là cơ năng, nghĩa là không do tổn thương bệnh lý gây ra; còn đau bụng kinh thứ phát thường là đau bụng kinh thực thể vì thường có tổn thương bệnh lý ở bộ phận sinh dục, ví dụ do: tư thế tử cung gấp sau quá mức, lỗ cổ tử cung bị chít hẹp (khiến máu kinh khó thoát ra ngoài), viêm nhiễm ở trong tử cung, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung... Trường hợp đau bụng kinh thực thể thì phải khám phụ khoa để tìm nguyên nhân mới điều trị được.
Trường hợp của chị có thể là đau bụng kinh cơ năng vì đã bị từ khi còn con gái. Giải thích về lý do đau bụng kinh cơ năng, người ta cho rằng do tử cung của người đó kém phát triển, có thể do tử cung khi có kinh co bóp quá mạnh hoặc ở người có ngưỡng chịu đau thấp. Chính vì tử cung kém phát triển nên sau khi người phụ nữ có thai hoặc sinh con, tử cung phát triển hoàn chỉnh sẽ làm mất chứng đau bụng kinh. Nếu do tử cung co bóp mạnh gây đau thì dùng thuốc làm giảm sự co bóp đó. Nguyên nhân gây tử cung co bóp là do chất prostaglandin do nội mạc tử cung tiết ra khi hành kinh. Vì thế, có thể dùng các thuốc có tính kháng prostaglandin bao gồm các loại thuốc giảm đau, kháng viêm (như aspirin, seda, paracetamol, ibuprofen, diclofenac), thuốc giảm co bóp của cơ tử cung (như papaverin, spasmaverin, atropin).
Còn nếu đau do ngưỡng chịu đau thấp, thường do tâm lý lo sợ thì cần giải quyết bằng công tác tâm lý như khuyên giải, tư vấn, giải thích cho giảm nỗi lo âu, tập luyện thể dục thể thao cho khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái. Tốt hơn cả là phối hợp tất cả các biện pháp nói trên.
Với hoàn cảnh của chị hiện nay đang chưa muốn có con thì còn một cách điều trị đau bụng kinh lại có tác dụng tránh thai rất hiệu quả là dùng các vỉ thuốc viên tránh thai kết hợp. Người ta biết rằng trong các chu kỳ kinh không có phóng noãn (rụng trứng) thì không có đau bụng kinh. Cơ chế tránh thai của thuốc là ức chế phóng noãn nên không thụ thai được, vì thế nó cũng giúp người dùng thuốc tránh thai không đau bụng kinh nữa.
BS. Phó Đức Nhuận, Sức Khỏe & Đời Sống