Giới chức y tế Đài Loan xác nhận 12 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu sản phẩm làm từ dầu ăn rác thải, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Pháp, Australia, New Zealand, Brazil, Chile, Argentina, Nam Phi, Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Chính quyền Đài Loan cho biết đã liên lạc với nhà chức trách các nước và vùng lãnh thổ này để cung cấp thông tin cần thiết về những sản phẩm nhiễm bẩn, theo tin trên tờ South China Morning Post.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Cục An toàn thực phẩm Việt Nam cho biết đã nhận được cảnh báo từ nhà chức trách Đài Loan và sẽ sớm có thông tin về vấn đề này.
Theo đại diện Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan, kết quả kiểm tra cho thấy có hàng trăm nhà sản xuất đã mua dầu bẩn từ công ty Chang Guann và hơn 1.000 nhà hàng, tiệm bánh, doanh nghiệp bán lẻ bị ảnh hưởng. Hàng trăm mặt hàng thực phẩm đã được phát hiện có chứa loại dầu bẩn này. Chỉ có khoảng hơn 200 tấn dầu bẩn được thu hồi lại. Một số lượng lớn dầu không tìm lại được có thể đã tiêu thụ.
Vụ việc gây chấn động mạnh mẽ liên quan đến hàng loạt thương hiệu lâu đời và nổi tiếng như Wei Chuan, 85'C Bakery Cafe, Chi Mei, Taiwan Sugar… và các chuỗi bán lẻ toàn cầu như Starbucks và 7-Eleven. Không chỉ kém vệ sinh, loại dầu được tái chế từ dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, vật liệu nhiễm độc, mỡ da quá hạn... này còn chứa các chất chất gây ung thư như benzopyrene và aflatoxin. Scandal cũng đã đặt ra nguy cơ bị hủy hoại danh tiếng của hòn đảo vốn là một thiên đường cho những người yêu thích thực phẩm.
Trước đó công ty Chang Guann thừa nhận đã "vô tình" mua 243 tấn dầu ăn được tái chế từ rác thải, vật liệu nhiễm độc do một nhà máy không phép tại Bình Đông (Đài Loan) sản xuất để chế biến 780 tấn dầu ăn và bán cho hàng trăm cơ sở kinh doanh thực phẩm. Công ty này đã bị xử phạt 50 triệu Đài tệ, tức khoảng 1,6 triệu USD.
Lê Phương - Minh Thùy