Bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đỏ rát mặt, ngứa sau hai tháng bôi nên đã ngưng thuốc. Một tháng nay, vùng tổn thương ngày càng lan xuống thân với nhiều mảng đỏ gây khó chịu.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, giảng viên bộ môn Da liễu trường đại học Y Hà Nội, ngày 29/3 cho biết bệnh nhân bị rát đỏ, khô và bong tróc da toàn thân, nặng nhất là vùng mặt.
Bệnh nhân không biết rõ về thành phần trong rượu. Bác sĩ cho rằng có thể do thuốc chứa nhiều chất gây lột da mạnh như TCA, salicylic, AHA... Ngoài ra, rượu có chứa cồn, dễ khiến da bong tróc, mất độ ẩm, thậm chí bỏng và tổn thương da nặng nề, cần cân nhắc khi sử dụng.
Bệnh nhân được kê đơn thuốc dưỡng ẩm, chống viêm, tái khám định kỳ một tháng để kiểm tra.
Theo bác sĩ Tâm, nhiều người sử dụng rượu thuốc được giới thiệu "làm hết mụn mủ, se khít chân lông, hết vết thâm mụn". Tuy nhiên, không sử dụng thuốc đúng cách, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ dẫn đến khô, đỏ da, bong vảy vùng mặt; nặng hơn nữa là phản ứng lan rộng ra toàn thân, thậm chí nhiễm herpes lan tỏa nguy hiểm tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo nên cân nhắc khi sử dụng rượu thuốc vì có nhiều tác dụng phụ hoặc chưa được kiểm chứng về độ an toàn. Khi gặp vấn đề về da, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu. Không sử dụng phương pháp dân gian, truyền miệng để xử lý mụn, nhất là vùng da nhạy cảm như da mặt.
Khi có biểu hiện bất thường, cần ngưng dùng và đi khám để điều trị sớm, tránh biến chứng lâu dài.
Thùy An