Khoảng một tuần nay, nhiệt độ tại TP HCM và Nam Bộ trung bình 36 độ C, thêm ảnh hưởng của đô thị hóa khiến nóng đến 38 độ C. Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ nhận định ngày 9/3 khối áp cao cận nhiệt đới suy yếu, nhiệt độ tại TP HCM và Nam Bộ trung bình từ 34 đến 36 độ C. Đến ngày 12/3, dự báo nắng nóng trở lại khắp Nam Bộ.
Chỉ số UV tại TP HCM những ngày này trong khoảng từ 0 (vào ban đêm) đến 11 hoặc 12 (ban ngày). Ở Anh, chỉ số này thường không vượt quá 8. Chỉ số UV càng cao, liều lượng bức xạ gây hại da và mắt càng lớn.
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA), khi chỉ số tia cực tím từ mức 11 trở lên, nguy cơ da bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng vài phút mà không được bảo vệ. Khi chỉ số UV 7-10, da "nhanh chóng hỏng và bỏng" trong 30-60 phút. UV từ 3 trở lên, người đi đường phải mặc áo chống nắng, đeo kiếng mát che chắn để bảo vệ cơ thể.
Bác sĩ Phan Minh Đoàn, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết cường độ tia cực tím có thể thay đổi vào các ngày và các mùa. Tuy nhiên, đối với sức khỏe làn da, tia cực tím có thể gây hại cho da vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Theo bác sĩ Đoàn, tùy mức độ tiếp xúc và cường độ của tia cực tím, da có thể có các biểu hiện tổn thương khác nhau như tiết nhiều bã nhờn gây mụn trứng cá, bỏng nắng, đỏ rát, nám da. Nghiêm trọng hơn thì có thể ung thư da hoặc nhiễm trùng da.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, giải thích bức xạ cực tím là thành phần trong ánh sáng mặt trời. Trong đó, tia cực tím A và B (UVA và UVB) có thể gây tổn thương DNA tế bào da. Tia cực tím C có thể gây ung thư da, may mắn bị tầng ozone chặn lại hầu hết.
Theo bác sĩ Vũ, khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da. Da bỏng nhiệt sẽ phồng rộp, đỏ, đau. Tia cực tím làm tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Ảnh hưởng của nó đến da và mắt được cộng dồn, tích lũy trong suốt cuộc đời.
Bác sĩ Đoàn khuyến cáo để tránh tổn thương da, hạn chế ra đường giờ cao điểm nắng nóng, từ 9 đến 16h. Đây là khung giờ có cường độ tia UV cao, đặc biệt giữa trưa. Nếu có việc phải ra ngoài, cần đội nón rộng vành, đeo khẩu trang tối màu, thoa kem chống nắng, đeo kính râm để bảo vệ mắt, mặc quần áo dài tay, tìm bóng râm để trú để giảm bớt tình trạng nắng chiếu trực tiếp trên da.
Sử dụng loại kem chống nắng phổ rộng, chống được tia UV. Kem chống nắng chỉ số SPF từ 30 trở lên có thể chống cả tia UVA và ánh sáng nhìn thấy. Thời tiết nắng nóng làm da ra nhiều mồ hôi, kem chống nắng cần có tính kháng nước và nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ. Có thể sử dụng thêm các viên uống chống nắng và chất chống oxy hóa đường uống, giúp da có "sức đề kháng" tốt hơn dưới ánh nắng mặt trời.
Da bị bỏng rát sau khi tiếp xúc nắng cường độ cao, có thể phục hồi bằng kem dưỡng ẩm. Nếu tình trạng này vẫn không cải thiện sau vài ngày, đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra. Khi vùng thương tổn trên da có dấu hiệu ngày một lớn trong thời gian ngắn, dễ chảy máu, màu da không đều, phải tới bệnh viện kiểm tra ngay. Ung thư da sẽ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm.