12h38 ngày 13/1/2006, cảnh sát thành phố San Isidro vội vã tới tòa nhà hai tầng nơi đặt chi nhánh ngân hàng Banco Rio, một trong những ngân hàng lớn nhất tại Argentina.
Băng cướp chưa rời hiện trường khi cảnh sát đến nơi. Đúng lúc này, cảnh sát thấy nhân viên bảo vệ bước ra khỏi ngân hàng. Người bảo vệ kể được thả cho đi. Trên người anh ta súng nhưng đạn đã bị tháo ra.
Qua 10 phút, thêm một nữ con tin được trả tự do. Người này kể 5 kẻ cướp đeo đồ che kín mặt và đang có 23 con tin bên trong.
Ít lâu sau, con tin tiếp theo được phóng thích. Lần này, con tin do một gã đàn ông che mặt và mặc áo vest xám dẫn ra ngoài. Thấy cảnh sát, tên cướp bỏ lại con tin và rút vào ngân hàng.
Hơn 6 tiếng tiếp theo, sự chú ý của cả Argentina đổ dồn về vụ cướp. 100 cảnh sát được điều động vây chặt ngân hàng. Mọi ngóc ngách có thể nhìn được vào trong đều bị chiếm đóng bởi cảnh sát bắn tỉa hoặc phóng viên.
Qua bộ đàm, cảnh sát có thể liên lạc với gã đàn ông mặc vest xám, kẻ tự xưng là Walter. Theo Walter, các con tin được đối xử tốt. Không khí bên trong không quá căng thẳng. Có lúc người ngoài còn nghe thấy tiếng Walter và đồng bọn đang hát chúc mừng sinh nhật một con tin.
15h30, Walter nói mọi người bên trong rất đói và muốn gọi pizza. Nhưng khi pizza được đưa đến chỉ vài phút sau, tên cướp không còn trả lời bộ đàm.
Hơn ba tiếng tiếp theo, cảnh sát và quan chức thành phố thảo luận cách xử lý tiếp theo. Cuối cùng, tới khoảng 19h, một đội đặc nhiệm cảnh sát xông vào trong ngân hàng.
Cảnh tượng bên trong khác hoàn toàn dự liệu của cảnh sát. Không có tiếng la hét hoặc tiếng súng nổ, cũng như không có bóng dáng của băng cướp. Con tin được chia làm ba nhóm và nhốt lần lượt ở tầng trệt, tầng gác lửng, và tầng hầm. Tất cả không bị thương.
Quản lý ngân hàng và trưởng giao dịch viên cho biết đã bị bắt phải mở két sắt chứa tiền. Nhưng thứ nằm trong tầm ngắm của chúng là những hộp ký gửi ngân hàng dưới tầng hầm.
Chỉ vài năm trước, hệ thống ngân hàng quốc gia Argentina vừa sụp đổ, hàng triệu người dân mất đi tiền tiết kiệm. Do tâm lý lo lắng, người dân Argentina bắt đầu cất tài sản giá trị trong các hộp đồ ký gửi ở ngân hàng. Vì chi nhánh ngân hàng này nằm trong khu vực giàu có bậc nhất của Argentina, những hộp ký gửi ở đây càng có sức thu hút đặc biệt với kẻ cướp.
Trong số 400 hộp ký gửi dưới hầm, băng cướp đập vỡ 143 hộp và lấy đi toàn bộ tài sản bên trong. Tuy không biết cụ thể kẻ cướp đã lấy đi những gì, cảnh sát ước tính thiệt hại lên tới 20 triệu USD.
Trong số ít đồ vật mà băng cướp bỏ lại tại hiện trường có công cụ tự chế giúp phá hộp ký gửi mà không tạo ra tiếng động lớn. Ngoài ra còn có một vỉ pin và nhiều khẩu súng đồ chơi. Trên tường còn dán một mẩu giấy có ghi lời nhắn đại ý "chỉ cướp tiền, không cướp tình".
Cả ba tầng đều không có bóng dáng của kẻ cướp. Hai cửa ra vào của ngân hàng đều bị cảnh sát canh gác từ đầu nên kẻ cướp chắc chắn không thể phá vây. Mọi cửa sổ trong ngân hàng đều còn nguyên. Kẻ cướp cũng không trà trộn trong con tin.
Cảnh sát rà soát kỹ tòa nhà. Sau vài tiếng, họ phát hiện đằng sau một tủ hồ sơ là tấm sắt bị bắt chốt vào tường tầng hầm. Tấm sắt này che phủ miệng một chiếc hố dẫn tới đường hầm nối với hệ thống xả thải của thành phố và đổ thẳng ra sông.
Một ngày sau vụ cướp, thẻ tín dụng bị lấy khỏi ngân hàng được tìm thấy gần nhiều miệng cống thoát nước. Điều tra theo hướng này, cảnh sát nhiều lần đi vào ngõ cụt vì một số người qua đường cố sử dụng thẻ nhặt được để thanh toán. Mỗi lần truy ra được người dùng, nhà chức trách lại phát hiện đây không phải kẻ cướp.
Sau nhiều tuần điều tra, cảnh sát vẫn không thể có được manh mối đáng kể. Đúng lúc này, bước đột phá bất ngờ xuất hiện.
5 tuần sau khi vụ cướp xảy ra, vợ một kẻ trộm trong thành phố gọi điện cho cảnh sát. Người phụ nữ cho biết chồng mình, Rubén de la Torre, có dính líu tới vụ cướp ngân hàng. Bà dặn cảnh sát nhanh lên vì Rubén chuẩn bị trốn khỏi Argentina với bạn gái mới.
Sau tin báo từ vợ, Rubén lập tức bị bắt giữ trên đường đang lái xe chở bạn gái. Ông ta mau chóng khai hết mọi chuyện. Vợ của Rubén cũng có thể nhận diện mọi thành viên trong băng cướp.
Theo cảnh sát, chủ mưu vụ cướp là Fernando Araujo, người làm nghệ thuật. Ý tưởng cướp ngân hàng được kẻ này nhen nhóm ừ một tối năm 1999, sau khi Argentina xảy ra vụ cướp ngân hàng ở thị trấn Ramallo.
Trong vụ cướp ở Ramallo, kẻ cướp bỏ chạy và dùng con tin làm lá chắn. Cảnh sát nổ súng, bắn chết một kẻ cướp và hai con tin. Sau sự việc, cảnh sát địa phương hứng chịu chỉ trích lớn vì cách xử lý yếu kém.
Trong lúc bàn luận với bạn là Sebastian Bolster, Araujo nói "thật điên rồ nếu cướp ngân hàng nhưng không rời khỏi hiện trường mà biến mất qua đường hầm". Bolster, người có xuất thân từ gia đình kỹ sư và thích nghịch máy móc, đồng ý.
Năm 2004, Araujo một lần nữa đề cập ý tưởng cướp ngân hàng với Bolster. Sự giúp đỡ của Bolster ban đầu chỉ ở mức hời hợt. Nhưng sau khi chứng kiến gia đình mình mất tiền trong lần ngân hàng phá sản, Bolster cho rằng vụ cướp sẽ là cơ hội để ông ta trả đũa. Bolster là người lên kế hoạch đào tẩu cùng hệ thống đường hầm dẫn vào ngân hàng.
Trong lúc đó, Araujo chiêu mộ thêm người, trong đó có kẻ cướp ngân hàng chuyên nghiệp có biệt danh Doc ("bác sĩ") cùng đồng bọn là Rubén. Doc cũng giới thiệu Araujo với "nhà đầu tư" tên Luis Vitette, tên trộm người Urugoay có biệt hiệu "Người Nhện". Luis bỏ ra khoảng 100.000 USD để mua thiết bị cho vụ cướp sắp tới. Với khoản đầu tư ấy, Bolster có thể dành nhiều tháng bí mật đào hầm dẫn tới ngân hàng.
Ngày 13/1/2006, 6 kẻ cướp cải trang bước vào ngân hàng, trong khi đó Bolster chờ dưới đường hầm. Chúng dùng súng đồ chơi khống chế con tin và để Luis nói chuyện với cảnh sát dưới cái tên "Walter".
Trong lúc cảnh sát bao vây bên ngoài, băng cướp cẩn thận khoan miệng lỗ trên tường tầng hầm để dẫn tới đường hầm của Bolster. Những lần Luis giao tiếp với cảnh sát chỉ là trò câu giờ để Bolster phá hộp ký gửi bằng công cụ tự chế.
Sau khi yêu cầu pizza, băng cướp lần lượt chui qua hầm xuống hai chiếc xuồng cao su bơm hơi chờ sẵn. Thông thường, mực nước dưới hệ thống xả thải không đủ cao để xuồng có thể di chuyển. Nhưng trước đó, Bolster đã dựng con đập để đẩy nước dâng cao.
Ngồi xuồng đi được khoảng 10 tòa nhà, băng cướp chui khỏi miệng cống và chất mọi thứ lên xe van. Một ngày sau, Bolster quay lại vứt thẻ tín dụng của ngân hàng gần miệng cống quanh thành phố hòng che giấu nơi băng cướp chui ra.
Chia chắc chiến lợi phẩm xong, băng cướp đường ai nấy đi. Chúng không gặp lại nhau cho tới khi vợ Rubén tố cáo cảnh sát.
Theo lời kể sau này của Rubén, sau khi về nhà, ông ta không giấu vợ về nguồn gốc số tài sản vừa mang về. Sau đó, Rubén thấy mất một khoản lớn trong số chiến lợi phẩm nên vợ chồng cãi nhau. Vụ cướp được đánh giá "vụ cướp thế kỷ" đổ bể từ đó.
Tại tòa, 600 người ra làm chứng, trong khi các bị cáo đều khẳng định vô tội. Cuối cùng, Luis Vitette bị phạt 8 năm tù. Năm 2013, Luis bị trục xuất về Urugoay và cấm vĩnh viễn đặt chân trở lại Argentina.
Những người khác đều bị phạt án tù ngắn, trong đó Bolster có bản án ngắn nhất là 25 tháng tù. Đến nay, tất cả mọi thành viên trong băng cướp đều được trả tự do nhưng không ai chịu tiết lộ số phận của số tài sản trị giá 8 triệu USD, Telam đưa tin.
Quốc Đạt (Theo GQ, CNN, Clarin)