Sáng 6/1/1995, Wheeler cùng một đồng phạm bước vào ngân hàng tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania. Wheeler đeo găng nhưng không đội mũ hoặc che mặt vì trước đó bôi hóa chất được cho là có thể khiến người dùng tàng hình. Thứ hóa chất bí ẩn ấy khiến mắt Wheeler cay xè và phải nhăn lại.
Đến quầy giao dịch, Wheeler yêu cầu nhân viên bỏ tiền vào túi. Trong lúc chờ đợi, hắn ngó nghiêng quanh ngân hàng và nhìn thẳng vào ống kính camera an ninh. 1-2 phút sau, tên cướp rời hiện trường với túi đựng đầy tiền.
Vụ cướp đầu tiên diễn ra thuận lợi nên Wheeler tiếp tục muốn thử vận may. Sau 20 phút lái xe, hắn tới ngân hàng khác. Tên cướp xuống xe, bôi thêm hóa chất bí ẩn lên mặt rồi bước vào tòa nhà. Vụ cướp thứ hai diễn ra tương tự vụ đầu tiên.
Trong lúc lái xe rời hiện trường, Wheeler luôn để ý gương chiếu hậu để xem có bị bám theo hay không. Hắn quan sát ngõ phố trong tâm trạng đề phòng cảnh sát xông ra hoặc gặp chốt chặn phía trước nhưng không có chuyện gì xảy ra.
Tối hôm ấy, tivi đưa bản tin về vụ cướp và cho biết cảnh sát đang truy lùng hai nghi phạm, trong đó một kẻ cao 1m8, nặng khoảng 124 kg, phù hợp với đặc điểm ngoại hình của Wheeler. Xem tivi, Wheeler thấy bản tin không công khai ảnh chụp mặt nghi phạm nên tưởng đã thực hiện trót lọt hai vụ cướp.
Khoảng ba tháng sau, một đài truyền hình đưa lại tin về hai vụ cướp ngân hàng và kêu gọi người dân cung cấp thông tin. Vài phút sau khi bản tin kết thúc, điều tra viên nhận tin tố cáo Wheeler là kẻ cướp. Chưa đầy một tiếng tiếp theo, tên cướp sa lưới.
Tại phòng thẩm vấn, McArthur Wheeler khẳng định không liên quan tới hai vụ cướp. Khi được cho biết mình bị camera tại ngân hàng ghi hình, hắn vẫn chối vì cho rằng điều tra viên chỉ nói dối để mình nhận tội. Gương mặt tên cướp hiện lên vẻ khó tin khi được xem những tấm ảnh cắt từ băng ghi hình an ninh. "Nhưng tôi đã bôi thứ nước ấy rồi cơ mà", tên cướp sửng sốt.
Lúc này, Wheeler mới tiết lộ thứ hóa chất mình bôi lên mặt trước khi đi cướp là nước chanh. Nghi phạm kể từng nghe có người nói rằng nếu bôi nước chanh lên mặt, hắn sẽ trở nên vô hình trước ống kính camera. Sự ngờ vực lúc đầu của Wheeler mau chóng tiêu tan sau khi hắn làm theo và không thấy mình xuất hiện trong tấm hình tự chụp bằng máy ảnh lấy ngay. Điều này khiến Wheeler tự tin đi cướp hai ngân hàng mà không che mặt.
Sau vài tháng, McArthur Wheeler bị kết tội trong vụ cướp ngân hàng đầu tiên. Cáo trạng đối với vụ cướp ngân hàng sau bị bãi bỏ.
Nguyên nhân Wheeler không xuất hiện trong tấm hình tự chụp bằng máy ảnh lấy ngay không bao giờ được làm rõ. Điều tra viên cho rằng có thể tấm phim chụp bị lỗi hoặc Wheeler bị rung tay cầm máy nên ống kính không hướng về phía mặt.
Câu chuyện của McArthur Wheeler sau này được nhà tâm lý học xã hội David Dunning, thuộc đại học Cornell (Mỹ), chú ý. Để tìm hiểu về niềm tin cực độ khiến tên cướp cho rằng có thể bôi nước chanh để qua mặt camera an ninh, Dunning cùng đồng nghiệp Justin Kruger bắt tay vào nghiên cứu. Kết quả cho thấy trong một số công việc, người có thành tích kém nhất lại thường đánh giá quá cao khả năng thực tế của mình.
Theo hai nhà nghiên cứu, do ảo tưởng về sự tự tin, người kém cỏi không chỉ có lựa chọn sai lầm mà còn không thể nhận ra sai lầm ấy. Thay vì tìm hiểu nguyên nhân thất bại, những người này thường quả quyết rằng phương pháp của mình vẫn đúng, như trường hợp của tên cướp McArthur Wheeler. Hiện tượng tự tin thái quá này còn được gọi tên là "hiệu ứng Dunning-Kruger".
Quốc Đạt (Theo Hammond Star, Pittsburgh Post-Gazette, Quartz)