Hôm đó, 13h45 ngày 12/2/2015, điều khiển xe là nữ tài xế với kinh nghiệm cầm lái gần 10 năm. Alvin Kinney, nam bảo vệ 60 tuổi, ngồi trong khoang chứa tiền phía sau, phụ trách chuyển tiền từ xe ra ngân hàng hoặc ngược lại. Ông mặc áo chống đạn, hông đeo khẩu súng ngắn có hỏa lực mạnh.
Chờ xe dừng lại, Kinney như thường lệ bước xuống, khóa cửa, kiểm tra xung quanh rồi đẩy xe đẩy vào ngân hàng. 25 phút sau, nam bảo vệ trở ra với nhiều túi tiền trên xe. Nhưng khi ông gần tới xe bọc thép, ba kẻ mặc áo chống đạn và đeo mặt nạ bất ngờ xông tới nâng súng trường ngắm bắn. Kinney trúng đạn vào đầu, tử vong.
Thấy tiếng đạn, nữ tài xế rung chuông báo động, nhoài ra khỏi cửa và nổ 9 phát đạn về phía sau xe nhưng đều không trúng. Băng cướp bắn trả khiến nữ tài xế phải nấp vào xe. Ba tay súng vơ túi tiền gần Kinney, nhảy lên chiếc bán tải màu trắng đã lùi lại sau xe bọc thép từ lúc nào rồi bỏ chạy.
Vài phút sau, cảnh sát thành phố Houston và đặc vụ FBI tới hiện trường. Băng ghi hình an ninh giúp điều tra viên tìm được chiếc bán tải màu trắng bị bỏ lại trong bãi đỗ cách đó một vài tòa nhà, được xác định là đồ bị ăn trộm. Theo nhân chứng, người lái xe là thanh niên da đen không đeo đồ che mặt nhưng sau nhiều tháng, cuộc điều tra vẫn không có tiến triển, kể cả khi nhà chức trách treo thưởng 100.000 USD cho người báo tin.
Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 25-35 vụ cướp xe bọc thép hộ tống tiền, trong khi số vụ cướp ngân hàng khoảng 4.000 vụ. Nguyên nhân vì rủi ro khi cướp ngân hàng thấp hơn nhiều so với xe bọc thép. Hầu hết các ngân hàng không có lực lượng bảo vệ vũ trang, giao dịch viên cũng được dạy không được đối đầu để bảo toàn tính mạng. Ngược lại, lái xe và người chuyển tiền của công ty hộ tống được đào tạo phản ứng ngay khi tin rằng sắp bị gây hại mà không chờ đối phương bắn trước.
Tuy nhiên, rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao. Kẻ cướp ngân hàng nếu may mắn sẽ có được vài nghìn USD từ ngăn kéo của giao dịch viên, trong khi số tiền xe bọc thép chuyên chở có thể lên tới hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn USD.
Nếu cướp xe bọc thép, thủ đoạn gây án thường là chặn lối đi rồi cố phá cửa khoang đựng tiền hoặc uy hiếp người hộ tống để cướp tiền. Nhưng trong vụ cướp ngân hàng Capitol One, Alvin Kinney không có cơ hội đầu hàng. Cái chết của nam bảo vệ còn gây chú ý vì ông là nhân viên hộ tống xe bọc thép đầu tiên tử vong trong lúc làm nhiệm vụ tại Houston, từ năm 2002.
9 tháng sau, thành phố Houston lại xảy ra vụ cướp xe bọc thép với thủ đoạn tương tự. Khoảng 14h ngày 6/11/2015, khi người chuyển tiền bước ra khỏi ngân hàng Bank of America, một gã đàn ông da đen đeo mặt nạ, mặc áo chống đạn, cầm súng trường bán tự động bước xuống khỏi chiếc xe SUV đỗ gần đó. Tên cướp không nói gì, chạy về phía người chuyển tiền rồi nổ súng.
Dù trúng đạn, người chuyển tiền không bị thương chí mạng nên vẫn có thể loạng choạng về xe bọc thép. Thấy vậy, tay súng biết không thể lấy được túi tiền nên bỏ chạy về con phố bên cạnh, nơi chiếc xe bốn chỗ đã chờ sẵn. Hắn lên xe rời hiện trường.
FBI một lần nữa lại tới hiện trường điều tra và cố trả lời một số câu hỏi như liệu tay súng có phải kẻ từng tham gia vụ cướp ở ngân hàng Capitol One? Nếu cùng một kẻ, sao hắn không có các đồng phạm khác trợ giúp? Nhà chức trách công bố video ghi hình tay súng và treo thưởng 15.000 USD nhưng cũng như lần trước, không có manh mối hữu ích nào xuất hiện.
Tới ngày 18/3/2016, một chiếc xe bọc thép khác dừng trước chi nhánh ngân hàng JPMorgan Chase ở phía bắc thành phố Houston vào lúc 12h. Sau khi xuống xe, người chuyển tiền, Melvin Moore, đang nạp tiền vào cây ATM thì bất ngờ trúng đạn, ngã ra đất.
Như chỉ chờ có vậy, một xe bốn chỗ màu đen dừng trong bãi đỗ liền tăng tốc về phía nạn nhân. Từ cửa sau, kẻ cướp lao ra định tóm gọn túi tiền thì bị Moore dùng hết sức cầm súng bắn. Khi tên cướp hoảng sợ rời đi trên chiếc Altima cũng là lúc Moore, 32 tuổi, ông bố phải nuôi bốn con nhỏ, để rơi súng và trút hơi thở cuối.
Qua dấu vết tại hiện trường, FBI xác định lần này, kẻ cướp không xông tới tấn công mà ngắm bắn từ xa ở ngoài tầm camera an ninh, cách ít nhất 45 m. Thủ đoạn lần này cực kỳ táo tợn vì vụ cướp chắc chắn sẽ trót lọt nếu Moore không cố bắn trả. Kể cả không thành công, toàn bộ sự việc vẫn diễn ra chỉ khoảng thời gian tính bằng giây, khiến nhân viên lái xe bọc thép không kịp trở tay.
Camera an ninh không quay được biển số xe của chiếc xe đào tẩu và cũng không ghi rõ hình ảnh của kẻ định giật túi tiền. Ở hiện trường, không ai nhìn thấy kẻ nổ súng hoặc người lái xe. Dù tiếp tục treo thưởng 15.000 USD, tổ chuyên án vẫn bế tắc hướng điều tra.
Sau 5 tháng 11 ngày, khoảng 18h ngày 29/8/2016, David Guzman, nhân viên chuyển tiền 25 tuổi, bất ngờ ngã gục trong lúc đang nạp tiền vào cây ATM bên ngoài chi nhánh ngân hàng Wells Fargo. Như kịch bản tại vụ cướp tại ngân hàng JPMorgan Chase, một gã nhảy xuống từ chiếc xe bốn chỗ màu xanh, tóm lấy túi có 120.000 USD, rời hiện trường.
Băng ghi hình trong bãi đỗ của khách sạn đối diện ngân hàng Wells Fargo cho thấy chiếc xe Toyota 4Runner màu trắng tiến vào bãi lúc 14h54, đuôi xe hướng về phía ngân hàng. Trong ba tiếng, không ai lên hoặc xuống xe. Ngay sau vụ cướp, chiếc 4Runner rời đi. Cảnh sát không rõ biển số vì chất lượng băng ghi hình thấp.
Bên cạnh chiếc 4Runner, tổ chuyên án còn được một người khẳng định nắm thông tin quan trọng về vụ cướp chủ động liên hệ. Người này gây chú ý vì không đòi đầy đủ 15.000 USD tiền thưởng mà chỉ yêu cầu 3.500 USD và muốn được ẩn danh. Theo đặc tình, kẻ chủ mưu trong loạt vụ cướp là Redrick Batiste, 36 tuổi, sống tại phía tây bắc thành phố Houston.
Theo lý lịch, Batiste có nhiều tiền án như Tàng trữ vũ khí, Tàng trữ cần sa, Lái xe khi say xỉn, Hành hung, Gian dối để mua súng, và Lạm dụng thẻ tín dụng... Tuy nhiên, trong 7 năm trở lại, từ sau năm 2009, Batiste có vẻ đã hoàn lương để chú tâm xây dựng gia đình và sự nghiệp kinh doanh bất động sản. Dù vậy, từ ngày 3/9/2016, FBI vẫn cài thiết bị giám sát GPS trên xe của Batiste và lắp camera giấu kín bên ngoài nhà nghi phạm.
Bốn ngày sau, nhà chức trách tiếp tục tìm thấy chiếc Toyota 4Runner màu trắng, cùng mẫu xe đào tẩu trong vụ cướp gần nhất, trong bãi đỗ của khu chung cư cách nhà Batiste khoảng hai dặm. Cửa sau xe bị khoét lỗ đủ rộng để nòng súng trường chui qua. Khi cần, người trên xe chỉ cần gấp ghế sau và nằm sấp xuống là có thể trở thành xạ thủ bắn tỉa. Chiếc xe này cũng được FBI lắp thiết bị định vị GPS.
Tới ngày 14/9/2016, xe của Batiste rời nhà riêng tới bãi đỗ của khu chung cư nơi chiếc 4Runner đang dừng. Sau đó, chiếc 4Runner được di chuyển tới vị trí khác trong cùng bãi đỗ, có vẻ như Batiste đã di chuyển để nhân viên khu chung cư không trình báo xe vô chủ. Tình tiết này khiến FBI chắc chắn Batiste rằng đã tham gia vào vụ cướp nhưng để có chứng cứ, tổ chuyên án nhận định phải bắt quả tang băng cướp.
Trong gần ba tháng sau đó, Batiste bị đặc vụ FBI bám sát mỗi khi rời nhà riêng để chạy việc vặt, cho chó đi dạo, hoặc đi thăm bạn gái, con cái, và bố mẹ,... Mọi hoạt động đều bình thường nhưng cứ cách tuần, Batiste lại qua khu căn hộ chung cư để di chuyển chiếc 4Runner trong bãi đỗ xe.
Batiste thỉnh thoảng còn gặp Nelson Polk, 37 tuổi, và chú của Polk là Marc Hill, 46 tuổi. Polk và Hill đều từng có tiền án về tội nghiêm trọng liên quan ma túy, súng, hành hung,... nhưng cũng như Batiste, hai người này đều có vẻ đã hoàn lương. Polk có hai con và hay làm việc sửa chữa vặt quanh thành phố, trong khi Hill sở hữu vài cơ sở kinh doanh. Dù vậy, vẻ ngoài lương thiện của ba người vẫn không thuyết phục được FBI. Xe của Hill lập tức bị FBI lắp đặt thiết bị GPS vào ngày 8/11/2016.
Hoạt động của Hill cũng không có dấu hiệu bất thường cho tới ngày 21/11/2016, khi xe ông ta đỗ tại ngân hàng Amegy trong hai tiếng từ 8h. Khoảng 11h cùng ngày, Batiste cũng xuất hiện và ở đó trong gần 7 tiếng. Sáng hôm sau, Hill, Batiste và Polk cùng lái xe loanh quanh ngân hàng, dường như đang tính đường tẩu thoát, rồi giải tán.
Cho rằng một vụ cướp nữa sắp xảy ra, tổ chuyên án xin tòa án cho phép giám sát cuộc gọi của Batiste vào ngày 29/11/2016. Qua giám sát, FBI thấy Batiste đôi lúc gọi điện cho những kẻ khác nhưng dùng bí danh và nhiều mật ngữ trong cuộc gọi, như "căng-tin" để ám chỉ "xe bọc thép", "căn hộ" có vẻ ám chỉ khu căn hộ cách ngân hàng khoảng 50 m, nơi lý tưởng cho xạ thủ bắn tỉa. Tuy vậy vẫn còn một số nội dung không thể được giải mã như khi Batiste nói phải "sao chép" thứ gì đó.
Lúc này, FBI thấy Batiste nhờ người thuê hộ chiếc xe Jeep Cherokee màu đen trong ngày 29/11-1/12/2016. Sau khi Batiste trả xe, FBI thuê cùng chiếc Jeep Cherokee về để nghiên cứu, qua đó phát hiện trong hai chiếc chìa khóa đi cùng xe, chỉ một chiếc còn hoạt động. Phía dưới mui xe cũng bị Batiste lắp thêm thiết bị GPS.
Lần đầu tiên trong cuộc điều tra, các bằng chứng trở nên sáng tỏ. Batiste chắc chắn đã giữ lại một chìa khóa và thay thế bằng đồ giả để có thể trộm chiếc Jeep Cherokee vào bất cứ lúc nào. Tương tự, mục đích của thiết bị GPS là để Batiste có thể xác định vị trí của chiếc xe khi cần dùng để gây án.
Vì Batiste bất cứ lúc nào cũng có thể tới trộm lại chiếc Jeep Cherokee, kỹ thuật viên FBI mau chóng lắp đặt camera bí mật có tính năng thu âm bên trong xe và cả thiết bị GPS dưới mui. Ngoài ra, động cơ còn được gắn công tắc để có thể được tắt từ xa. Xong xuôi, 6h ngày 3/12/2016, chiếc Jeep Cherokee được FBI bỏ tại một bãi đỗ ngẫu nhiên trong thành phố.
Đúng như dự đoán, 7 tiếng sau, Batiste cùng đồng bọn tới vị trí của chiếc Jeep Cherokee để lái chiếc xe về để tại khu chung cư nơi cũng từng đỗ chiếc Toyota 4Runner. Sau khi dán film tối màu cho cửa sổ chiếc Jeep Cherokee, Batiste ấn định ngày ra tay là 7/12/2016. Hắn không ngờ nhất cử nhất động của băng nhóm đều đang bị FBI giám sát.
Đúng ngày hẹn, khoảng 10h, Batiste lái chiếc Jeep Cherokee tới bãi đỗ xe của khu căn hộ gần ngân hàng Amegy. Hai đồng phạm của Batiste đi chiếc 4Runner và phụ trách giật túi tiền sau khi người chuyển tiền ngã gục. Những kẻ khác được bố trí xung quanh để cảnh giới.
Khoảng sau 11h, chiếc xe bọc thép chở tiền lăn bánh vào bãi đỗ ngân hàng nhưng trước khi Batiste kịp phản ứng, lực lượng chức năng ra tay. Từ sau tòa nhà gần đó, xe bọc thép của cảnh sát Houston phóng khỏi chỗ nấp và tông thẳng vào chiếc 4Runner. Hai kẻ trên ôtô vội xuống xe bỏ chạy nhưng lập tức bị lực lượng đặc nhiệm bắt giữ. Chúng là Nelson Polk và Trayvees Duncan-Bush, 29 tuổi, có tiền án Cướp tài sản và Trốn bắt giữ.
Thấy "có biến", Batiste định lái xe bỏ chạy nhưng động cơ đã bị vô hiệu hóa từ xa. Dù có cơ hội đầu hàng, Batiste chống trả bằng khẩu súng trường bán tự động lắp ống ngắm. Ngay lập tức, hắn bị tiêu diệt.
Cách ngân hàng vài trăm mét, Marc Hill cũng bị chặn đứng vì vai trò làm cảnh giới cho vụ cướp. Hai kẻ khác là Bennie Phillips, bạn của Batiste, và John Scott, 40 tuổi, người được cho là quen Batiste từ nhỏ, cũng bị bắt với cáo buộc làm cảnh giới.
Công tố viên cáo buộc băng cướp gồm 6 người do Batiste cầm đầu đã thực hiện ít nhất ba vụ tấn công táo tợn vào xe bọc thép lần lượt vào tháng 3, tháng 8, và tháng 12/2016, khiến hai nhân viên chuyển tiền tử vong. Chúng còn bị nghi ngờ gây ra các vụ cướp trong năm 2015 nhưng nhà chức trách không đủ chứng cứ.
Thủ đoạn của ba vụ cướp năm 2016 đều có đặc điểm "bắn trước, cướp sau": Batiste phụ trách bắn tỉa để loại trừ nhân viên chuyển tiền, trong lúc này các tên đồng phạm xông tới lấy túi tiền hoặc làm cảnh giới. Kế hoạch cướp được Batiste vạch ra tỉ mỉ và được "chỉnh sửa" sau mỗi lần gây án. Nếu không nhờ tin báo của đặc tình, nhà chức trách có lẽ chưa thể tóm được băng cướp này.
Trước tòa, Duncan-Bush nhận tội và ra làm chứng chống lại đồng phạm, cuối cùng lãnh án 12 năm 6 tháng tù. Năm 2019, bốn kẻ còn lại đều bị phạt chung thân vì hành vi giúp sức.
Tuy vụ án đã kết thúc, nhưng nhà chức trách chưa giải mã được câu hỏi vì sao Batiste có thể thực hiện chuỗi vụ án man rợ như vậy? Hắn thuần túy vì lòng tham hay muốn trả thù ngân hàng vì không cho vay tiền để thực hiện giấc mơ bất động sản?
Quốc Đạt (Theo Texas Monthly, Houston Chronicle)